Nghịch lý giá vé máy bay

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vé máy bay chưa bao giờ tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, điều kỳ là càng tăng giá vé thì các hãng bay càng kêu lỗ. Các chuyên gia đặt câu hỏi, phải chăng cách tính chi phí đầu vào cho vé máy bay bị sai hay có tham nhũng, thất thoát trong lĩnh vực này?

Tăng giá vẫn lỗ

Mới đây, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An nhìn nhận, điều hành giá với một số mặt hàng như vé máy bay đang có nhiều vấn đề.

“Đối với giá vé máy bay, có thể thấy chi phí bay quá cao dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến giá chứ không phải do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu” - đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.

Tranh luận về nghịch lý giá vé máy bay càng tăng, doanh nghiệp (DN) càng kêu lỗ đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trong những ngày qua. Chị Nguyễn Thị Trang (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đặc thù công việc chị thường phải đi công tác xa, máy bay là phương tiện phù hợp nhất bởi sự tiện lợi của nó.

Tuy nhiên, trong khoảng hơn một năm trở lại đây, giá vé máy bay liên tục tăng phi mã khiến chị buộc phải có sự thay đổi cho phù hợp. Đó là chuyển sang đi tàu hoặc ô tô với những chuyến công tác không quá xa. Chỉ những lần phải vào TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam, chị mới buộc phải đi máy bay.

"Giá vé máy bay đang quá cao so với năng lực tài chính của phần lớn người dân hiện nay" - chị Trang nói.

Giá vé máy bay liên tục tăng trong thời gian qua song các hãng bay vẫn kêu lỗ. Ảnh: Phạm Hải
Giá vé máy bay liên tục tăng trong thời gian qua song các hãng bay vẫn kêu lỗ. Ảnh: Phạm Hải

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, các hãng hàng không đều có sự tính toán giá vé máy bay làm sao để họ có lãi. Chuyên gia này cũng bày tỏ sự khó hiểu khi giai đoạn này, hàng không đã phục hồi rồi mà có hãng bay vẫn báo lỗ là điều vô lý.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2023, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam. Tại báo cáo này, kiểm toán đã nhấn mạnh nhiều vấn đề hiện hữu của Vietnam Airlines bao gồm nợ ngắn hạn, lỗ sau thuế của DN.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn 15.396 tỷ đồng. Trong năm tài chính kết thúc cùng ngày, hãng hàng không quốc gia có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế thu nhập DN là 11.223 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia lỗ ròng liên tiếp trong 3 năm 2020 - 2021 - 2022.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, giữa giá vé máy bay và việc kinh doanh thua lỗ của hãng hàng không là hai mặt khác nhau. Chuyên gia này đề nghị, cần thanh tra ngay các hãng hàng không liên tục báo lỗ, để làm rõ vấn đề.

Cần thanh tra toàn diện

Nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, giá vé máy bay bán ra được tính dựa trên cơ sở chi phí đầu vào.

“Các hãng bay sẽ phải cân đối giữa chi phí đầu vào và chi phí đầu ra để làm sao ít nhất họ hòa vốn hoặc có lãi, chứ nếu biết chắc sẽ lỗ chẳng DN nào làm cả” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá đầu ra là trên cơ sở tính giá đầu vào còn giá đầu vào tính trên cơ sở chi phí. Cách tính phải bảo đảm 4 nguyên tắc là tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và tính kịp thời.

“Tại sao vé càng tăng mà hãng bay càng lỗ? Nếu như vậy thì cách tính chi phí đầu vào không đúng” - PGS.TS Ngô Trí Long nói và phân tích thêm rằng, đối với lĩnh vực hàng không, hiện nay, Nhà nước vẫn đang quy định giá trần, việc tính chi phí đầu vào và chi phí đầu ra của các hãng bay đều phải được tính toán dựa trên cơ sở giá trần cũng như các quy định hiện hành của Luật Giá.

“Nếu tính đúng, chắc chắn không thể có chuyện càng tăng giá vé càng lỗ được. Hoặc có thể còn một nguyên nhân nữa là do tham nhũng thất thoát” - PGS.TS Ngô Trí Long đặt nghi vấn và đề nghị cần có sự kiểm tra lại xem cách tính chi phí đầu vào của các hãng hàng không hiện nay có đúng hay không?

PGS.TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh rằng, trong trường hợp cách tính chi phí đầu vào của các hãng hàng không hiện nay chưa đúng và đó là nguyên nhân khiến họ thua lỗ, thì các hãng sẽ phải chịu, không thể vì thế mà tiếp tục tăng giá vé máy bay.

Trước nghịch lý giá vé máy bay tăng ở mức cao nhưng những năm qua các hãng hàng không trong nước đều kêu lỗ, nhiều ý kiến cho rằng cần có một cuộc thanh tra toàn diện để giải mã vấn đề này.

 

 

Trong phiên chất vấn ngày 18/3, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, các DN thực hiện kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá. Trong khung giá vé máy bay do Bộ GTVT ban hành có 15 mức, các DN đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.