Nghịch lý trong các dự án xây nhà xã hội: Lao động nghèo gánh phần thiệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những chính sách ưu đãi về vốn vay, lãi suất, cấp đất cho các thành phần kinh tế, DN để xây dựng nhà ở xã hội, cung ứng cho công nhân, lao động nghèo... đã rõ ràng từ Chính phủ đến các địa phương.

KTĐT - Những chính sách ưu đãi về vốn vay, lãi suất, cấp đất cho các thành phần kinh tế, DN để xây dựng nhà ở xã hội, cung ứng cho công nhân, lao động nghèo... đã rõ ràng từ Chính phủ đến các địa phương. Nhiều nơi đã triển khai dự án, nhưng nhà ở xã hội vẫn ỳ ạch, thậm chí bị bỏ dở và người lao động nghèo còn phải gánh những nỗi khổ nhà trọ nơi khu ổ chuột...

Hàng vạn công nhân trọ “khu ổ chuột”

Có trên 60% trong tổng số gần 60.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất ở Đà Nẵng là người địa phương khác, phải ở trọ để đi làm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có một chung cư, nhà ở tập thể nào dành cho công nhân, vì vậy, hàng vạn lao động nghèo vẫn còn khổ sở khi phải đi thuê trọ tại những khu nhà tạm, rải rác trong dân.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - ông Dương Thành Thị cho biết: “Trước đây, khi chưa phát triển các khu đô thị mới, chưa chỉnh trang đường phố, người dân còn có đất để xây nhà tạm cho công nhân thuê, nay quỹ đất càng eo hẹp, nhà cho thuê theo đấy mà khan hiếm. Mặt khác, Liên Chiểu là địa phương tập trung trên 50% số công nhân (CN) tại 2 KCN và cả vạn sinh viên của 5 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nên áp lực nhà ở trọ, thuê càng lớn.

Chỗ ở không tập trung, không đảm bảo còn kéo theo các hệ luỵ tiêu cực khác về an ninh xã hội, môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của bản thân công nhân nghèo, sinh viên và cả cư dân địa phương. Tuy nhiên, giải quyết vấn nạn này ngoài tầm chính quyền quận”.

Nguyễn Thị Hồng - CN Cty sản xuất đồ chơi trẻ em - KCN Hoà Khánh (Đà Nẵng) cho biết: “Sau tết, nỗi lo lớn nhất của những CN xa quê như bọn em là chỗ trọ chứ không phải mất việc làm. Hiện, bọn em phải ở chung 5 bạn căn phòng nhỏ, ở tận hóc núi thuộc xã Hoà Sơn. Có chỗ ở xa là còn may, nhiều bạn ra trễ còn khóc vì không thể tìm được chỗ”. Đây cũng là nỗi lòng của hàng vạn CN ở Đà Nẵng. Các nhà tạm cho thuê trọ hiện cũng... tứ tán theo các dự án giải toả, đền bù, lùi xa khu trung tâm, nên CN thêm vất vả tìm thuê.

Từ lơ là đến...bỏ dở dự án

Thực tế, từ tháng 7.2003, UBND TP.Đà Nẵng đã từng giao cho Cty phát triển và khai thác hạ tầng (PT&KTHT) khu công nghiệp Đà Nẵng, xây dựng 3 khu nhà chung cư 5 tầng dành cho người thu nhập thấp và công nhân, với gần 600 căn hộ, tại quận Liên Chiểu. Dự án phê duyệt từ 2002 bằng nguồn ngân sách, với tổng kinh phí trên 27 tỉ đồng. Công trình triển khai phần cột móng, sàn ở 2 đơn nguyên thì đến tháng 9.2005 đột ngột dừng lại. Sau khi tái khởi động lại thời gian ngắn, ngốn tiền ngân sách hơn 3,3 tỉ đồng thì đến 5.2006, công trình dừng hẳn, bỏ trơ cột, sàn bêtông hoang hoá. Lúc này, chủ dự án Cty PT&KTHT các KCN viện dẫn là do thiếu vốn mua vật tư. Ngoài ra, dự án khu đô thị - công nghiệp Hoà Khánh, với diện tích lên đến 68ha, với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 197 tỉ đồng liền kề đấy cũng trong cảnh hoang phế kéo dài.

Sau khi bỏ hoang dự án gần 7 năm, phơi sương bạc tỉ tiền từ ngân sách, 25.3.2010, dự án này chính thức được “chuyển nhượng” lại cho Cty CP đầu tư Hưng Phú. Sự tái khởi động này cũng rầm rộ không khác chủ đầu tư ban đầu. Cty Hưng Phú cũng cam kết trong năm 2010 sẽ hoàn tất 3 khu chung cư cao tầng với 183 căn hộ. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 5.000 chỗ ở cho công nhân (mỗi căn hộ từ 38-84m2 với đầy đủ công trình vệ sinh, phòng bếp, phòng khách, phòng ngủ... có hệ thống dịch vụ khép kín đầy đủ tiện nghi đáp ứng cuộc sống cho công nhân như hệ thống nhà trẻ, siêu thị mini, nhà giữ xe, khu vui chơi giải trí). Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Nhưng, đến nay hiện trạng vẫn còn chìm trong hoang vu cỏ dại.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Chủ tịch UBND TP - ông Trần Văn Minh đã phải ký văn bản, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các khu đất đã bố trí các đơn vị xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu vực vệt kẹp giữa KCN Hoà Khánh và đường ĐT 602, để thu hồi huỷ bỏ tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết. Đó là những dự án mà TP đã giao cho các chủ đầu tư là Cty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Cty TNHH Daewon Đà Nẵng và Cty cổ phần dệt Hoà Khánh... để xây dựng chung cư phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu đất trên. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn chưa triển khai xây dựng.

Nhiều DN cho biết, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phải có vốn lớn, trong khi đó hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này không cao, thu hồi vốn chậm nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Xem ra, những ưu đãi của Nhà nước vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Nghịch lý này vẫn còn kéo dài, duy chỉ có người lao động nghèo còn phải khổ nạn trong việc tìm trọ để đi làm.