Chiều 7/1, Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo.
Đánh giá rõ tác động nếu điều chỉnh giá điện bán lẻ 2 tháng một lần
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá bán điện 2 tháng một lần đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho hay, quy chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã có từ trước. Theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Hiện nay, Cục Điều tiết Điện lực đang được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế này. Cục đề xuất phương án điều chỉnh giá 2 tháng một lần. “Dự thảo còn đang lấy ý kiến các đơn vị, đặc biệt là với các đối tượng chịu nhiều tác động. Sau khi lấy ý kiến, Cục sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ. Lộ trình của dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực cùng Luật Điện lực sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, tức là từ ngày 1/2/2025” - ông Nguyễn Thế Hữu thông tin.
Nói thêm về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, việc đề xuất thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân là câu chuyện mang tính thị trường, sẽ còn nhiều nội dung cần nghiên cứu thêm.
"Bộ Công Thương đề nghị Cục Điều tiết Điện lực phải có nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của việc nếu điều chỉnh giá bán lẻ 2 tháng một lần thì sao, 3 tháng một lần thì thế nào để so sánh, tìm ra hướng hợp lý nhất.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Không để khoảng trống trong kiểm tra, giám sát thị trường
Về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại sẽ như thế nào sau sắp xếp lại bộ máy hoạt động của lực lượng quản lý thị trường (QLTT), Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: "Trong bối cảnh cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng QLTT không được để có khoảng trống, không để bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường. Mặc dù chấm dứt hoạt động của Tổng cục QLTT, song các nhiệm vụ của lực lượng QLTT vẫn sẽ được các lực lượng QLTT địa phương thực hiện nghiêm túc."
Bộ Công Thương cũng đề nghị lực lượng QLTT tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá thế hệ mới; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; đẩy mạnh số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Năm 2025, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.