Vấn đề này thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và các chuyên gia về giao thông, đô thị.
Khi hạ tầng chưa đảm bảo
Theo nhận định của TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, đây là chủ trương tiến bộ vì phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… góp phần tham gia giao thông xanh. Cùng với đó, xe đạp sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông vì đây là loại phương tiện gọn gàng, giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đưa ra những phân tích về những khó khăn khi thực hiện việc này. Thứ nhất, đa phần các tuyến đường của Thủ đô có mặt cắt hẹp, từ 7 - 11m, mặt đường 4 - 5 làn xe không nhiều. Lượng phương tiện ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô tô thì nạn ùn tắc giao thông càng diễn ra nhiều. Dành một làn cho xe đạp sẽ rất khó khăn khi hạ tầng chưa đảm bảo. Thứ hai, thực trạng hiện nay, vỉa hè hoặc phần đường sát với vỉa hè của hầu hết các tuyến phố đã trở thành nơi bán hàng, đỗ xe, khiến không chỉ người đi xe đạp mà cả người đi bộ cũng buộc phải đi chung làn với ô tô, xe máy.
Trong khi đó, giao thông tĩnh (như bến xe, ga tàu, chỗ gửi xe…) cũng phát triển yếu kém. Vì thế, cần giành lại vỉa hè, giải phóng lô cốt trên các tuyến đường và phát triển giao thông tĩnh sẽ góp phần tăng quỹ đất giao thông, khi đó mới có thể dành làn đường riêng cho xe đạp. Phương án khả thi nhất là chỉ thí điểm một số tuyến phố đủ điều kiện. Quan trọng nữa là hệ thống phương tiện kết nối. Các điểm cho thuê xe, trạm để xe đạp phải kết nối với xe buýt, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia… tạo nên một hệ thống giao thông công cộng (GTCC) đồng bộ.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện phương án phân làn đường riêng cho xe đạp. Bởi tỷ trọng đất giao thông của Thủ đô vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với quy định. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng xe đạp đi làm, đi học thấp. Lý do của thực trạng này là GTCC chưa có sự kết nối để tạo thuận tiện cho người dân.
"Tiềm năng về đất ít, lượng ô tô và xe máy lại tăng cao, trong khi đó xe đạp không phải là phương tiện giao thông chủ yếu. Nếu dành một làn đường cho xe đạp thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình giao thông chung" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.
Cần thời gian và phát triển phương tiện công cộng
Nguyên Cục trưởng Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh cho rằng, cần thời gian để người dân Hà Nội thay đổi thói quen đi lại khi việc di chuyển bằng xe đạp bên cạnh các phương tiện cơ giới khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, mất thời gian, tốn sức.
TP cần thực hiện điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu của người dân đồng thời quy hoạch lại các điểm, bãi trông giữ xe, đặc biệt là xe đạp; tính đến phương án kết nối cho người đi xe đạp với các phương tiện công cộng và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho họ khi lưu thông cùng ô tô, xe máy. Hà Nội đã có một làn đường dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp ven sông Tô Lịch (đoạn đường Láng). Nhưng do nhiều xe máy cũng đi vào đây nên cơ quan chức năng phải lập rào chắn cứng.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, phát triển xe đạp không phù hợp với Hà Nội vì điều kiện thời tiết Việt Nam nóng ẩm; thực trạng giao thông hỗn hợp, các tuyến đường chính trong đô thị đều quá tải, thường xuyên ùn tắc, khói bụi nên xe đạp là phương tiện rủi ro...
Tuy nhiên, nếu đặt việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp trong tổng thể các nhiệm vụ nhằm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, chúng ta sẽ thấy tính hợp lý, cần thiết của phương án này. Đó là xu hướng phát triển hệ thống giao thông xanh và bền vững ở các đô thị; là ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP…
Trong tương lai, khi TP triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì sẽ thúc đẩy người dân đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện GTCC, qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn trong đô thị. Xe đạp phù hợp cho di chuyển quãng ngắn, dưới 5km. Người dân di chuyển quãng dài cần có kết nối với các phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt. Do vậy, việc phát triển xe đạp nội đô là cần thiết trong chiến lược phát triển GTCC, với điều kiện cần gắn kết các loại hình phương tiện hỗ trợ nhau trong mạng lưới quy hoạch chung.
Dự kiến trong tháng 10, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng trên địa bàn TP. Các điểm bố trí cho thuê xe đạp công cộng được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… 7 quận trung tâm TP được chọn bố trí các địa điểm thực hiện giai đoạn 1 gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.