Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại trưởng Nga lần đầu tiết lộ thỏa thuận hòa bình bất thành

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Theo Ngoại trưởng Nga, các cam kết đảm bảo an ninh trong thỏa thuận hòa bình Ukraine tại vòng đàm phán ở Istanbul là hoàn toàn nghiêm túc, gần giống với Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trả lời phỏng vấn đài Sputnik hôm 19/4. Ảnh:  
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trả lời phỏng vấn đài Sputnik hôm 19/4. Ảnh:  

Trả lời phỏng vấn đài Sputnik ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lần đầu hé lộ chi tiết một số điều khoản trong dự thảo hòa bình mà Nga và Ukraine suýt đạt được tại vòng đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022.

Một trong số điều khoản đó là, nếu Ukraine tuân thủ thỏa thuận Istanbul, Nga sẽ đồng ý để phương Tây áp dụng Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO đối với Ukraine.

Tuy nhiên, điều khoản này sẽ không áp dụng đối với vùng Donbass (miền Đông Ukraine) và bán đảo Crimea. Nếu những vùng lãnh thổ này bị tấn công, các thỏa thuận giữa Nga và Ukraine sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức.

Theo Điều 5 trong Hiến chương NATO, bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ có biện pháp phòng vệ tập thể.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho biết thêm, một điều khoản khác trong thỏa thuận quy định là sẽ không có căn cứ quân sự hoặc cuộc tập trận nước ngoài nào có sự tham gia của nước thứ ba ở Ukraine, "trừ khi có sự đồng ý của tất cả các nước bảo lãnh, bao gồm cả Nga và Trung Quốc".

Tuy nhiên, vào phút cuối, Ukraine đã quyết định thực hiện những sửa đổi "nhỏ" đối với phần dành riêng cho các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của nước ngoài.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhấn mạnh, Nga mong muốn đối thoại hơn là xung đột và Moscow luôn để ngỏ đàm phán với Kiev.

Tuy nhiên, ông tuyên bố, Nga không có ý định ngừng bắn ở Ukraine kể cả khi hai nước bắt đầu hòa đàm. "Chúng tôi khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng không giống câu chuyện ở Istanbul, chúng tôi sẽ không ngừng giao tranh trong suốt quá trình đàm phán. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine”- Ngoại trưởng Nga nêu rõ.

Ông cũng cho biết, Nga không chấp nhận giải quyết xung đột trên cơ sở "công thức hòa bình" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra, trong đó yêu cầu Moscow phải đầu hàng, rút hết quân khỏi Ukraine, khôi phục đường biên giới 1991 cho Ukraine.

Về hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6 tới, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga xem Thụy Sĩ không phải địa điểm phù hợp để tổ chức hội nghị vì nước này không trung lập.

Các quan chức Nga nhiều lần cho biết, Moscow và Kiev suýt đạt được thỏa thuận hòa bình tại vòng đàm phán ở Istanbul vào tháng 3/2022 trước khi Ukraine bất ngờ hủy bỏ thỏa thuận, rút khỏi đàm phán.

Vào cuối tháng 11/2023, ông David Arakhamia, người đứng đầu đảng Đầy tớ của Nhân dân của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng cuộc xung đột với Nga có thể kết thúc vào mùa Xuân năm 2022. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chính quyền Kiev đã bác yêu cầu vai trò trung lập từ phía Moscow. Sau cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Kiev không ký bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.

Tháng trước, tờ Wall Street Journal công bố những gì mà họ cho là chi tiết về dự thảo thỏa thuận năm 2022 giữa Nga và Ukraine. Trong đó, sự trung lập của Ukraine là một trong những yêu cầu nhượng bộ chính của Nga.

Hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine vào năm 2022 gần như đã hoàn tất. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, sau khi quân đội Nga rút khỏi thủ đô Kiev, phía Ukraine đã thay đổi quan điểm, thậm chí Tổng thống Ukraine Zelensky còn ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga.

Ông Putin cũng nhấn mạnh Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Kiev khi trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Pavel Zarubin. Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Putin bày tỏ sự không chắc chắn về việc liệu phương Tây có muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine hay không, song khẳng định rằng Nga vẫn sẵn sàng đối thoại.

Sau hơn 2 năm xung đột, Nga nhiều lần tuyên bố vẫn luôn để ngỏ đàm phán trực tiếp với Ukraine hoặc thông qua các nước phương Tây, song mọi hòa đàm phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến lợi ích của Nga.

Moscow cũng cảnh báo, Kiev càng trì hoãn đàm phán, các điều khoản sau này sẽ càng bất lợi cho Ukraine.