Hơn nửa thế kỷ cầm sợi thừng Sinh – Tử Tạ Hiện giờ là con phố tiêu biểu của một Hà Nội cổ xưa. Đến giữa phố, người ta như bước vào cỗ máy thời gian để trở về vài chục năm trước, với nhà cổ, mái nghiêng, đường vắng… Trong cửa hàng bán tranh, giữa những bức tranh cổ động của các thời kỳ chiến đấu và xây dựng Thủ đô, một ông lão ngồi thảnh thơi cho nắng và gió Thu nghịch đùa mái tóc. Đã 61 năm lo mọi việc khổ, sướng, buồn, vui… cho con phố này, ông Trần Miễn vẫn yêu nhất những khi rỗi rãi ngồi ngắm những bức tường loang lổ, những mái ngói xanh rêu trong nắng vàng hanh hao. Ông bảo: “Giữa cái nắng vàng như mật mà vẫn se sắt, gờn gợn làn da, khiến bao kỷ niệm xưa ùa về, khung cảnh với cảm giác đặc biệt biệt này, ông trời chỉ ban cho mỗi Hà Nội mình thôi, mà mỗi năm cũng chỉ được vài lần”. Lạy giời! Lúc đến gặp cán bộ dân phố có tuổi công tác chắc phải cao nhất Hà Nội này, tôi cứ ngỡ gặp người tay đeo băng đỏ, miệng thổi còi “toét toét”, quần ống thấp, ống cao như hình mẫu tiêu biểu của mấy ông “vác tù và hàng tổng”, không ngờ lại gặp ông cụ dáng dấp, lời lẽ như dân thi sĩ cũ của Hà thành xưa. Không phải nhà thơ nhưng thực ra ông Trần Miễn có gắn bó với một nhà thơ nổi tiếng, cơ duyên đưa ông đến nhiệm vụ “vác tù và” này cũng một phần bởi thi sĩ ấy - nhà thơ Huy Cận. Khi tiếp quản Thủ đô, ông Trần Miễn làm việc tại Bộ Văn hóa, ông Cù Huy Cận làm Thứ trưởng.
Hà Nội khi tiếp quản, công tác cán bộ cơ sở cực kỳ quan trọng. Khi chiến trường Điện Biên Phủ im tiếng súng thì cũng là lúc các làn sóng cũ, mới trong cuộc sống tại các khu phố Hà Nội bắt đầu có sự xung đột. Lối sống, quan điểm chính trị, cách sinh hoạt của dân kháng chiến về Hà Nội công tác, sinh sống có sự khác biệt với dân Hà Nội gốc. Sự khác biệt ấy không được giải quyết, dung hòa ngay tại cơ sở sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mất đoàn kết, chia rẽ rất đáng lo ngại. Tìm được những người có đủ trình độ, uy tín đảm nhận vị trí phụ trách các khu phố lúc đó rất khó khăn. Chính vì thế, các cơ quan Nhà nước tại Hà Nội sau tiếp quản có sáng kiến, vận động những cán bộ của mình có khả năng đảm nhận thêm vị trí Tổ trưởng dân phố nơi mình sinh sống. Lúc ấy, ông Trần Miễn còn trẻ, mới 22 tuổi nhưng vẫn được ông Huy Cận và Bộ Văn hóa vận động kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ Tổ trưởng dân phố Tạ Hiện. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong thời điểm ấy, bởi Tạ Hiện là điểm nóng về xung đột cũ – mới, đây là con phố lâu đời, nơi tập trung của các thương nhân Hoa kiều rất có tầm ảnh hưởng. Đây chính là nơi có địa chỉ ăn chơi khét tiếng trước cách mạng: Sầm Công - Quảng Lạc (Sầm Công là ngõ cô đầu – Quảng Lạc là rạp hát tuồng của giới ăn chơi). Sau khi tiếp quản Thủ đô, đây vẫn là nơi có tình hình trật tự xã hội khá phức tạp với nhiều rạp hát: Kim Lan, Kim Phụng, Chuông Vàng, Kim Môn cùng với các điểm ăn uống, vui chơi… Thế rồi từ ngày đó, ông Trần Miễn cứ hết việc tại cơ quan lại lao vào việc khu phố, năm này qua năm khác, đến lúc về nghỉ mất sức thì “việc phụ thành việc chính”. Phía sau con phố cổ Tạ Hiện hào nhoáng là một thùng sâu chất đầy những khó khăn, khổ sở, dị mọ mà ít người (dù là dân Hà Nội) có thể tưởng tượng ra. Suốt 61 năm qua, ông Trần Miễn vẫn âm thầm, miệt mài sống cùng và góp sức xóa đi, xoa dịu những khó khăn, khổ sở, dị mọ ấy… Tiêu biểu cho những khổ sở, khó khăn đến kỳ quái nơi phố cổ lại là công việc thường trực và quan trọng của ông Trần Miễn hơn nửa thế kỷ qua, đó là việc dòng dây thả người… chết từ trên tầng lầu xuống đường. Tầng 1 tại mặt phố Tạ Hiện đều tận dụng triệt để làm nơi buôn bán, cầu thang cũng thu hẹp tối đa để tận dụng khoảng không, diện tích. Vì thế, khi có người chết không thể khênh được qua lối cầu thang, phương án duy nhất là dòng dây thả từ trên tầng lầu xuống đường. Sau đó mới nhập quan, cúng viếng tại tầng 1. Theo tục lệ ở đây, người nhà không được chạm vào người chết, thế nên việc này mặc nhiên là của các cán bộ tổ dân phố. Hơn nửa thế kỷ qua, hầu như nhà nào trong tổ dân phố này cũng đều nhờ đến ông Trần Miễn cầm sợi thừng rạch đôi đường Sinh – Tử, thay mặt phố cổ nói lời từ biệt với người đã khuất.
“Đừng để phố cổ thành cái xác không hồn” Cả đời làm công tác tổ dân phố, kiêm cả Trưởng ban Thống kê, Trưởng ban Bình dân học vụ, văn hóa, hòa giải… có lẽ hơn ai hết ông Trần Miễn hiểu được phố cổ muốn gì? Hồi tháng 8 vừa qua, khi có đề xuất lát đá trên các tuyến phố cổ, đã có vô vàn những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nghiên cứu hàng đầu với nhiều kiến thức sâu rộng về kiến trúc, văn hóa, cảnh quan… Tuy nhiên, ý kiến phản biện được quận Hoàn Kiếm tiếp thu để tạm dừng dự án này lại đến từ ý kiến ngắn gọn, giản đơn nhưng không thể thuyết phục hơn: “Đoạn đường đã thí điểm lát đá phố Tạ Hiện gây trơn trượt, rất nguy hiểm”. Ý kiến này là của ông Trần Miễn. Và khi người ta biết mỗi khi trời mưa hay bị nồm (mặt đá lát bị ngưng tụ nước trên bề mặt), ông Trần Miễn chính là người đội mưa, bấm chân đi trên con phố lát đá ấy để căng dây chắn đường, treo cảnh báo “Đường trơn trượt, nguy hiểm” thì ý kiến phản biện ấy có sức nặng như một mệnh lệnh. Sống với phố Tạ Hiện qua thời bao cấp dài, khi đó, chỉ vì một chai rượu ngoại, một đồng đô la hay vì bao thuốc lá in chữ nước ngoài mà khách nước ngoài để lại, cửa hàng đó có thể bị khám, bị lục tung lên để tìm hàng lậu, ông Trần Miễn khẳng định: “Muốn giữ phố cổ thì phải để dân phố cổ sống bằng con phố của mình”. Việc kiến trúc phố cổ bị phá vỡ ồ ạt vào đầu những năm 90 thế kỷ trước minh chứng khẳng định ấy. Suốt thời bao cấp, buôn bán bị ngừng trệ, khó khăn, dân phố cổ buộc phải bán nhà chuyển đi, những hộ mới chuyển đến thay đổi kiến trúc để phù hợp với loại hình kinh doanh khác hoặc cải tạo lại lấy chỗ ở rộng rãi. Giờ đây, việc kinh doanh trên phố cổ đã hưng thịnh nhưng vẫn còn đó xung đột ngầm giữa quy định và thực tế. Việc bày bán hàng dưới lòng đường là trái quy định chung, nhưng trong không gian chật hẹp của phố cổ, nơi các phương tiện giao thông bị hạn chế tối đa, việc cho phép dùng một phần diện tích lòng đường làm nơi bán hàng ăn cũng nên xem xét. Trên thực tế, việc bày bán này vẫn đang diễn ra. “Nếu không có những điều chỉnh về quy định, với thực tế đang diễn ra, sẽ có nhiều khuất tất, tiêu cực làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với chính quyền và cán bộ, vì thế việc tự do bày bán trên lòng đường phố cổ càng diễn ra trầm trọng hơn” - ông Trần Miễn cho biết. Có hai con trai là họa sĩ, ông Tổ trưởng dân phố này chọn cho mình cách kinh doanh mà như một thú chơi: Bán các bức tranh cổ động của các thời kỳ. Việc kinh doanh có chủ định này góp phần làm phố cổ Tạ Hiện có thêm dấu ấn của một thời xưa cũ. Yêu và chăm chút cho con phố của mình đến vậy nên ông Trần Miễn “dị ứng” lắm với những cái mới lai căng, xộc xệch đang ùa về phố cổ. Ông thấy “hoảng hốt” khi nhìn thấy những nam nữ thanh niên xăm hình khắp người, váy ngắn, áo dây ngồi vắt vẻo hút Shisha, phả khói mịt mù cùng những lời tục tĩu trên con phố ngày xưa quen với những tà áo dài khép nép, trang nghiêm. Ông trầm ngâm: “Tôi rất mong muốn TP có thêm các quy định chi tiết, hạn chế những loại hình kinh doanh “nhạy cảm” trên các con phố cổ. Văn hóa phố cổ không giữ được thì cảnh quan phố cổ chỉ còn là “cái xác không hồn” thôi”.
Ông Trần Miễn tại cửa hàng nhà mình trên phố Tạ Hiện (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). |
Ông Trần Miễn được mọi người rất kính trọng, bởi ông có khả năng và uy tín cao khi thực hiện những công tác hòa giải, thuyết phục tạo sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, ông là người tâm huyết và có nhiều đề xuất tốt trong việc giữ gìn và bảo tồn cảnh quan, văn hóa cho các tuyến phố cổ trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm Nguyễn Quyết Thắng |