Bắt đầu theo “nghề mặt trận” từ năm 1998, suốt từ đó đến nay ông Phùng Huy Đan (sinh năm 1939) gắn bó, sâu sát với công tác dân vận ở địa bàn và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ phường Trung Phụng, Trưởng ban công tác mặt trận kiêm Trưởng ban Thanh tra tổ dân phố số 25. Uy tín của ông cũng từ đó được người dân ghi nhận.
Ông Phùng Huy Đan giới thiệu tủ sách tuyên truyền pháp luật tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Cụm dân cư số 5. Ảnh: Phương Đoàn |
Trở lại thời điểm triển khai dự án cải tạo hồ Ba Mẫu, một số hộ dân trên địa bàn phường Trung Phụng còn chưa đồng thuận với chính quyền, nhất định không hợp tác kê khai. UBND quận Đống Đa họp lên phương án cưỡng chế.
Khi được hỏi, ông Đan vẫn cho rằng cưỡng chế là giải pháp bất đắc dĩ bởi sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Sau đó, ông cùng Chủ tịch UBND phường Trung Phụng đã xuống tận nhà những hộ dân này để vận động, thuyết phục. Ông kể, có hộ chỉ có hai mẹ con và nhất định không hợp tác, ông đã lý giải về mục đích của việc GPMB, những quyền lợi mà các hộ được hưởng cũng như nghĩa vụ mà họ phải thực hiện.
Ông động viên các hộ dân đề xuất nguyện vọng để chính quyền cân nhắc, hỗ trợ. Bên cạnh đó, ông còn vận động những nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí di dời cho các hộ dân. Và ông đã thành công. Niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương, vào MTTQ được củng cố, bản thân ông Đan được bà con tin tưởng, ủng hộ hết mình.
Một câu chuyện khác là vào năm 2018, trên địa bàn phường Trung Phụng vẫn còn tồn tại 5 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ những năm 1960 thuộc quản lý của Sở TN&MT. Những nhà vệ sinh này xuống cấp, hư hỏng, vô tình trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt, là tụ điểm để những con nghiện hút chích và mua bán ma túy, gây mất an toàn trật tự xã hội. Cùng với chính quyền địa phương, ông Đan đã nhiều lần nêu kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, cuộc họp với chính quyền cơ sở về việc chuyển đổi đất nhà vệ sinh công cộng sang xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng.
Sau khi được sự đồng ý của TP, lại phát sinh một số hộ dân trong khu tập thể vẫn sử dụng những nhà vệ sinh công cộng này phản đối. Ông Đan đã cùng với chính quyền kêu gọi, quyên góp tiền để xây dựng nhà vệ sinh khép kín cho các hộ dân với kinh phí xây dựng 6 triệu đồng/nhà.
Ông Đan kể: Khi những nhà sinh hoạt cộng đồng xây dựng xong, chính người dân tại các khu dân cư đã góp tiền để trang bị thêm cơ sở vật chất như điều hòa, quạt, ti vi, loa đài, bàn ghế… Tại các nhà sinh hoạt cộng đồng này còn xây dựng tủ sách tuyên truyền pháp luật, giúp bà con có điều kiện tiếp cận với chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Hơn 20 năm làm công tác mặt trận tại cơ sở, ông Phùng Huy Đan chỉ có một tâm tư, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa và đánh giá lại vai trò của ban công tác mặt trận ở cơ sở, vì chính sách dù ở mức độ nào cũng đều thực thi từ trong dân. Và người trực tiếp lắng nghe, tìm hiểu, làm cùng dân là chính quyền cơ sở, trong đó gần gũi nhất là ban công tác mặt trận cơ sở.