Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về tình hình mưa lũ tại Hà Giang với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với tâm mưa tập trung tại tỉnh Hà Giang.

Nhiều tuyến đường của TP Hà Giang ngập sâu trong nước.
Theo Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Trần Quang Năng, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với tâm mưa tập trung tại tỉnh Hà Giang. Mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8m, đạt mức 101,37m (10 giờ/21/7), trên BĐ2: 0,37m, hiện nay đang xuống nhanh. Ngập lụt do mưa lớn tại các vùng trũng, thấp đã diễn ra tại TP Hà Giang gây thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân.
Về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, ông Trần Quang Năng cho biết, đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang mà không di chuyển đi nơi khác, do đó, dẫn đến hiện tượng mưa các nơi không đồng đều.
Theo ông Trần Quang Năng, hiện nay, khu vực Bắc Bộ đang bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ. Trong thời gian tới, các đợt mưa lớn, lũ lớn sẽ có nhiều nguy cơ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ.
Chính vì vậy, để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền và người dân địa phương cần theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên về diễn biến KTTV qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh, website, mạng xã hội… kịp thời nắm bắt diễn biến thiên tai, chủ động lên kế hoạch phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Không chủ quan trước các hiện tượng thiên tai đã và đang xảy ra, bởi thiên tai luôn tiềm ẩn sự bất ngờ và mối nguy hiểm đến tính mạng. Nắm vững địa hình nơi cứ trú, kết hợp với thông tin nhận được từ các cơ quan KTTV để có giải pháp tránh trú, đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh.
“Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất” -  ông Trần Quang Năng nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, từ 21/7 đến ngày 22/7 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40 - 80mm/24 giờ), riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn có mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50 - 100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần