Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Hồ Chí Minh:

Người dân hài lòng với thái độ phục vụ của các nhân viên xe buýt

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh đưa 239 phương tiện xe buýt mới với đầy đủ thiết bị như máy lạnh, giám sát hành trình, camera, hệ thống máy bán vé tự động vào hoạt động tại 16 tuyến trên địa bàn, người dân hết sức vui mừng và hài lòng

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn với 16 tuyến và được đầu tư 239 xe mới, trong đó có 195 xe sử dụng diesel và 44 xe (thuộc 3 tuyến số 6, số 10, số 50) sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG.

Tuyến xe buýt số 29 chạy từ Bến phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức đã được thay bằng xe mới, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị. Ảnh: Việt Hùng  
Tuyến xe buýt số 29 chạy từ Bến phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức đã được thay bằng xe mới, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị. Ảnh: Việt Hùng  

Tất cả 239 xe mới hoàn toàn, đầy đủ trang thiết bị trên xe như máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống máy bán vé tự động, wifi miễn phí, và các hệ thống giám sát an toàn… Điều này đã giúp người dân đi lại trong nội thành Thành phố Hồ Chí Minh có thêm sự chọn lựa dịch vụ vận chuyển công cộng chất lượng cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Để “mục sở thị” sự tiện nghi của các xe buýt mới này, phóng viên trực tiếp trải nghiệm tuyến số 29 từ phà Cát Lái (phường Cát Lái) về Chợ nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, Thành phố Thủ Đức) do Công ty Phương Trang vận hành.

Theo ghi nhận của phóng viên, xe buýt mới nên chạy êm ái, dừng đỗ đúng trạm, chạy đúng giờ. Đặc biệt là nội thất xe tương đối hiện đại, sạch sẽ với máy lạnh mát mẻ, có giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống máy bán vé tự động, wifi miễn phí hoạt động ổn định.

Tài xế Trần Đại kiến nghị: đoạn đường từ vòng xoay Mỹ Thủy vào đến bến chỉ khoảng 2 cây số nhưng thường xuyên kẹt cứng bởi các xe container, xe tải lớn ra vào cảng Cát Lái  nên mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho xe của chúng tôi được lưu thông vào làn trong cùng với xe 2 bánh và xe du lịch để tiết kiệm thời gian, không làm ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của hành khách. Ảnh: Việt Hùng
Tài xế Trần Đại kiến nghị: đoạn đường từ vòng xoay Mỹ Thủy vào đến bến chỉ khoảng 2 cây số nhưng thường xuyên kẹt cứng bởi các xe container, xe tải lớn ra vào cảng Cát Lái  nên mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho xe của chúng tôi được lưu thông vào làn trong cùng với xe 2 bánh và xe du lịch để tiết kiệm thời gian, không làm ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của hành khách. Ảnh: Việt Hùng

Bên cạnh đó, lái xe và nhân viên phục vụ hết sức nhiệt tình, vui vẻ, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn người đi xe khi cần, đặc biệt là người lớn tuổi…

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Viết Ánh - Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang cho biết: “Công ty Phương Trang đã đưa vào khai thác, vận hành 100% tất cả 11 tuyến xe buýt được giao bắt đầu từ ngày 1/4. Tất cả các tuyến xe chúng tôi đưa vào vận hành đều là xe mới hoàn toàn và được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách”.

Tài xế Trần Đại chạy tuyến buýt 29 từ phà Cát Lái đi Chợ nông sản Thủ Đức (thuộc nhà xe Phương Trang) chia sẻ: “Từ khi đưa xe mới vào hoạt động thì tất cả các khách hàng đều khen. Xe mới sạch sẽ, điều hòa mát lạnh, có wifi, camera giám sát hành trình, máy bán vé tự động nên anh chị em lái xe và phục vụ cũng có thêm động lực để rất vui vẻ, nhiệt tình để phục vụ hành khách…”.

Anh Nguyễn Trường Lộc, nhân viên phục vụ trên xe buýt 29 chia sẻ với PV cách thức bán vé tự động áp dụng cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên và người từ 70 tuổi trở lên. Ảnh: Việt Hùng
Anh Nguyễn Trường Lộc, nhân viên phục vụ trên xe buýt 29 chia sẻ với PV cách thức bán vé tự động áp dụng cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên và người từ 70 tuổi trở lên. Ảnh: Việt Hùng

“Tuy vậy, đoạn đường từ vòng xoay Mỹ Thủy vào đến bến chỉ khoảng 2 cây số nhưng thường xuyên kẹt cứng bởi các xe container, xe tải lớn ra vào cảng Cát Lái nên chúng tôi mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho xe của chúng tôi được lưu thông vào làn trong cùng với xe 2 bánh và xe du lịch để tiết kiệm thời gian, không làm ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của hành khách” - anh Đại kiến nghị.

Cùng với đó, anh Nguyễn Trường Lộc - nhân viên phục vụ trên tuyến xe buýt 29 chia sẻ thêm: “Đối với hình thức bán vé tự động được áp dụng cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên và người từ 70 tuổi trở lên để tăng sự tiện lợi và nhanh chóng cho hành khách khi lên xe…”.

Trao đổi với phóng viên, chị Mai Linh (nhân viên văn phòng) vui vẻ cho biết: "Bản thân em khá hài lòng khi xe mới, chạy êm, máy lạnh mát, thoải mái, sạch sẽ, thơm phức. Đặc biệt là xe không đón khách dọc đường ngoài các trạm dừng, không chạy nhanh, vượt ẩu, đảm bảo đúng giờ quy định… Tài xế và nhân viên lái xe dễ thương và nhiệt tình. Trên xe còn được trang bị cả wifi miễn phí với chất lượng ổn định”.

Đồng tình với hai bạn trẻ, cô Lê Thị Hoa - một hành khác đi xe buýt chia sẻ: “Cũng lâu rồi cô mới đi lại xe buýt, cô thực sự hài lòng về trang bị của xe, từ cách phục vụ, đến thiết bị như máy lạnh, camera giám sát an ninh, giám sát hành trình đảm bảo sự an toàn và tiện nghi tối đa cho hành khách. Mong rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư mở rộng mô hình này trên toàn Thành phố. Đây cũng là hình thức khuyến khích người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng để làm giảm kẹt xe và bảo vệ môi trường…”.

Khách hàng đánh giá cao chất lượng phục vụ của nhân viên xe buýt. Ảnh: Trần Đại  
Khách hàng đánh giá cao chất lượng phục vụ của nhân viên xe buýt. Ảnh: Trần Đại  

Được biết, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 120 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong đó, 90 tuyến có trợ giá và được các doanh nghiệp vận tải đảm nhận theo phương thức đặt hàng. Với những nỗ lực này, hệ thống xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển, mang đến dịch vụ di chuyển tiện lợi và chất lượng cho người dân, đảm bảo các tiêu chí “Xe mới, chạy đúng giờ, an toàn”.

Dự kiến theo kế hoạch, 1/5 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 6 tuyến với 60 phương tiện mới để phục vụ người dân.

 

Cụ thể, Công ty cổ phần xe khách Sài Gòn khai thác 5 tuyến xe buýt gồm: Tuyến số 6 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm), tuyến số 10 (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Bến xe miền Tây), tuyến số 50 (Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia), tuyến số 50 (chợ Bến Thành - Đại học Quốc gia), tuyến 91 (Bến xe miền Tây - Chợ nông sản Thủ Đức).

Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Buslines) khai thác 11 tuyến xe buýt gồm: Tuyến 29 (Phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức), 57 (chợ Phước Bình - Trường THPT Hiệp Bình); tuyến 99 (chợ Thạnh Mỹ Lợi - Đại học Quốc gia), tuyến 141 (Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung II), tuyến 68 (bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Tài chính - Marketing), tuyến 102 (bến xe buýt Sài Gòn - bến xe miền Tây), tuyến 16 (bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe buýt Tân Phú), tuyến 41 (bến xe miền Tây - Ngã tư Bốn Xã - bến xe An Sương),  tuyến 61 (bến xe buýt Chợ Lớn - Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân), tuyến 73 (Chợ Bình Chánh - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) và tuyến 151 (bến xe miền Tây - bến xe An Sương).