Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân vùng phóng xạ Nhật lưu luyến quê nhà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những người dân sống gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima I ồ ạt kéo về nhà cũ thu gom đồ đạc trước khi lệnh giới nghiêm tuyệt đối được chính phủ áp dụng.

KTĐT - Những người dân sống gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima I ồ ạt kéo về nhà cũ thu gom đồ đạc trước khi lệnh giới nghiêm tuyệt đối được chính phủ áp dụng.

Chào đón họ là những con đường cong vênh hay những ngôi nhà đổ nát, hình ảnh quen thuộc với nhiều người Nhật kể từ sau thảm hỏa sóng thần và động đất hôm 11/3. Họ còn phải đối mặt với một mối nguy nữa là nồng độ phóng xạ ở mức quá cao tại khu vực này. Họ có thể sẽ không quay về nhà trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Một số người lo rằng họ sẽ không bao giờ trở lại.

Ở Okuma và các thị trấn lân cận trong bán kính 20 km quanh nhà máy đã bị chính phủ ban lệnh sơ tán, những người trở lại như bước vào thành phố ma, nơi đèn giao thông không hoạt động và những con chó bị bỏ rơi lang thang trên các đường phố vắng tanh.

Tại một nông trại gần Tomioka, những con bò lang thang khắp nơi, chúng ăn rau xà lách trong vườn và dạo khắp sân trước. Tại một trang trại ở Namine, cảnh tượng còn rùng rợn hơn: khoảng 40 con bò nằm chết sóng soài bên nhau và vẫn bị buộc vào cột. Một con nằm chết trên đường, máu trào ra từ miệng. Vài con khác vẫn còn sống và nằm cạnh đó, như thể không có gì diễn ra.

Taị Futaba, thị trấn nằm sát nhà máy, nhiều tấm biển được đặt trên đường phố vắng ca ngợi về nguồn năng lượng nguyên tử. Một tấm ghi “Điện hạt nhân là nguồn năng lượng cho một tương lai tươi sáng”. Trên một tấm khác là dòng chữ: “Hiểu đúng về điện hạt nhân mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Và ngay tại cổng nhà máy Fukushima I, một nhóm công nhân mang mặt nạ và khoác trang phục màu trắng kín mít chụp biển số của một chiếc xe thâm nhập trái phép. Trên tấm biển sau lưng họ, ai đó đã viết: “Đừng từ bỏ”.

Dù chính phủ yêu cầu người dân sơ tán ngay sau khi báo động hạt nhân được đưa ra, chỉ thị này đến giờ mới được biến thành sắc lệnh và người dân quanh nhà máy bắt đầu lén quay lại để thu dọn đồ đạc.

Giờ đây, khi lệnh sơ tán là bắt buộc, câu hỏi đặt ra là liệu những người vẫn phớt lờ yêu cầu đó có chịu rời đi hay không. Chính phủ Nhật nói rằng 78.200 người sống trong bán kính 20 km quanh nhà máy trước khi thảm họa xảy ra. Phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Fukushima cho biết 63 trong số gần 3.400 hộ trong vùng vẫn có người ở khi họ kiểm tra mấy tuần qua.

Ngoài ra, 62.400 người sống trong bán kính từ 20 đến 30 km quanh nhà máy được lệnh sơ tán hoặc ở nguyên trong nhà.

Tadanori và Eiko Watanabe, hai người sống cách nhà máy khoảng 28 km, bất chấp yêu cầu trên. Dù lo lắng về nồng độ phóng xạ, họ từ chối rời bỏ đàn bò 16 con. “Những con bò này không khác gì thành viên trong gia đình và chúng tôi không thể bỏ mặc chúng lại đây”, bà Watanabe cho biết.

Hầu hết láng giềng của họ đã bỏ đi từ lâu và những ngôi nhà xunh quanh đều tối om. “Đêm xuống ở đây sợ lắm”, bà nói và cho biết thêm hai vợ chồng bà giết thời gian bằng việc xem TV. Nếu chính phủ bắt buộc sơ tán, bà sẽ chấp hành. “Chúng tôi đang tìm nơi nào đó để mang đàn bò theo”, bà cho biết.

Kiyoshi Abe, một nông dân ở Minamisoma, cách nhà máy khoảng 12 km, cho biết ông là người duy nhất trong vùng không đi sơ tán. “Tôi kinh ngạc là người Nhật lại tuân lệnh chính quyền đến thế”, ông nói. Nhưng lão nông 83 tuổi này cho biết thêm rằng ở tuổi ông, ông không còn quan tâm đến phóng xạ nữa. Abe cũng đang bị ung thư và cho rằng bệnh tình có thể nặng hơn nếu ông sơ tán.

Abe cùng người vợ 81 tuổi tích trữ những túi lớn đựng đầy gạo và các loại thực phẩm khác. “Chúng tôi có tủ lạnh và tủ đá chứa đầy thức ăn, đủ để ở lại đây cả năm hoặc hai năm mà không vấn đề gì”, ông nói.

Tuy vậy, hôm 26/3, khu nhà của họ mất điện và nhà máy điện không cho thợ đến sửa. “Nhiều ngày liền chúng tôi phải dùng nến và vứt đi kha khá thức ăn”, ông kể. Giờ đây lệnh sơ tán là bắt buộc, Abe nói ông sẽ chấp hành và sẽ lái xe khỏi đây cuối tuần này.

Giới chức Nhật cho biết họ sẽ sắp xếp để những người còn ở lại có thể đi sơ tán bằng xe buýt . Tuy nhiên, một số người hy vọng mang theo nhiều đồ đạc nên họ lái xe về nhà để thu gom gây tình trạng ách tắc giao thông tại nơi lẽ ra không có bóng người.

Michiko Koyama, một cư dân của thị trấn Okuma, mang mặt nạ, áo mưa, găng tay cao su và cuốn những chiếc túi nilong quanh chân khi trở lại ngôi nhà nơi bà sống suốt 50 năm qua. Khi động đất xảy ra, bà phải đi vội vã. Những chiếc đĩa bẩn vẫn còn nằm trên bàn ăn.

Người phụ nữ này trở về nhà để thu gom giấy tờ, ảnh và những món đồ có giá trị. Bà sẽ mang chúng đến căn phòng nhỏ trong khách sạn nơi bà sống cùng hai người con và các thành viên khác trong gia đình. “Tôi cảm giác như nhà mình đang bị cháy vì thế tôi muốn mang theo càng nhiều càng tốt. Tôi không biết bao nhiêu năm nữa chúng tôi mới có thể quay lại đây”, bà nói.