Dù nhu cầu tìm mua nhà đã tăng lên đáng kể trong quý II/2024 nhưng tỉ lệ thanh toán thành công vẫn chưa cao. Bởi nhiều người lo ngại trong khoảng vài tháng đến nửa năm tới, lãi suất ngân hàng tăng, mức lãi suất thả nổi cũng sẽ tăng mạnh nên chưa dám vay ngân hàng để mua nhà.
Theo khảo sát tâm lý người dùng bất động sản vừa được Batdongsan công bố mới đây về mức lãi suất bao nhiêu là hợp lý để vay mua nhà, hơn 50% người tham gia cho rằng, lãi suất vay mua nhà dưới 8% là hợp lý, 29% chấp nhận mức lãi suất từ 8-10%, chỉ 10% chấp nhận đi vay với lãi suất từ 10-13% (tính theo mức thả nổi). Tuy nhiên, hầu hết người đang đi vay mua nhà đều chia sẻ, họ vẫn phải vay với lãi suất trung bình trên 11,5-13%.
Anh Quốc Việt Thanh, ngụ ở phường An Phú TP Thủ Đức, cho biết khi liên hệ một ngân hàng thương mại vay mua nhà cũng được cho biết phải đáp ứng khá nhiều yêu cầu từ phía ngân hàng mới được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7% trong 1 năm và 8,5% trong 2 năm đầu. Còn nếu chỉ vay thế chấp thì lãi suất năm đầu là 8,5%, thả nổi có thể vào tầm 12,5%. Ban đầu tính vay 1,5 tỉ đồng nhưng với tình hình lãi suất vay mua nhà nhiều khả năng sẽ tăng trong năm tới, anh cho biết, đang khá phân vân nếu thu nhập có biến động, sẽ không gánh nổi lãi vay.
Theo khảo sát từ Batdongsan, sang tháng 6, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) đang áp dụng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà ở dao động từ 5-7%/năm, tùy kỳ hạn. Lãi suất trong kỳ hạn ưu đãi của các ngân hàng thương mại thì dao động từ 5-8%/năm nhưng sau đó mức lãi suất thả nổi thấp nhất từ 9,5-13%/năm.
Các chuyên gia đánh giá việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất khó, khi mà lãi suất huy động đang có xu hướng tăng tại hầu hết các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có thể đưa lãi suất về mức thấp nhất có thể nếu tối ưu được chi phí kinh doanh.
Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản được dự báo sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho thấy, tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3.2024 tín dụng bất động sản tăng 0,96%; tháng 4.2024 tăng 1,15% và tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đây là bộ phận tín dụng chiếm tỉ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.