Người Mỹ tiêu xài bất chấp nỗi lo lạm phát

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa bối cảnh lạm phát kỷ lục, người tiêu dùng Mỹ đã tỏ ra lo lắng về tình hình nền kinh tế, nhưng điều đó vẫn không ngăn họ chi tiêu mạnh tay bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Tại một khu mua sắm ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 10/12/2021. Ảnh: USToday 
Financial Times dẫn số liệu của ngân hàng cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng trên thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng tại Bank of America trong tháng 11 vừa qua đã tăng 20% ​​so với năm ngoái, và tăng 28% so với tháng 11/ 2019.

Chi tiêu tăng nhanh trong nửa cuối tháng, ngay cả sau khi tâm lý tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ - theo dữ liệu được công bố hôm 10/12. Giám đốc điều hành Brian Moynihan của Bank of America đánh giá: "Bất kể người tiêu dùng nói gì, họ cũng đang tiêu xài rất mạnh tay".

Các ngân hàng lớn khác của Mỹ, bao gồm Wells Fargo và Citigroup, cũng đã báo cáo sức mạnh chi tiêu. Giám đốc điều hành Daniel Pinto cho biết, chi tiêu qua thẻ tín dụng gần đây tại JPMorgan cao hơn 17% so với mức trước đại dịch, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng ngoại trừ các hãng hàng không.

Brendan Coughlin, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tiêu dùng tại Citizens - ngân hàng lớn thứ 13 của Mỹ - cho biết: "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đang cố gắng làm hết sức mình để sống một cuộc sống bình thường và bù đắp lại những gì đã mất vì đại dịch".

Chi tiêu bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng tại Citizens đang cao hơn lần lượt 12% và 25% so với mức trước đại dịch. "Tỷ lệ chi tiêu vượt xa bất kỳ ước tính hợp lý nào về những gì lạm phát đang diễn ra" - ông Coughlin nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS) của Mỹ, công bố hôm 10/12 cho thấy, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đạt 6,8% trong tháng 10/2021, là mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Giá cả tại Mỹ đã leo thang trên diện rộng, trong đó giá nhiên liệu, nhà ở, thực phẩm và xe hơi nằm trong số những yếu tố góp phần lớn hơn cả. Chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng 5,8%, là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982, trong khi giá thực phẩm ăn tại nhà tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 12/2008. Giá nhiên liệu so với cùng kỳ năm 2020 tăng 58,1% - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 4/1980.

Lạm phát tăng cao được cho là sự kết hợp của các yếu tố liên quan đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những yếu tố gây áp lực lên giá khi các nhà sản xuất phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đang hồi sinh, trong khi các cảng vẫn còn kẹt cứng. Đồng thời, những người sử dụng lao động đang chật vật với tình trạng thiếu lao động dù đã và đang tăng lương. Cho đến nay, những chi phí phụ trội đó đang được chuyển vào hóa đơn của khách hàng.

Trong bối cảnh như vậy, các giám đốc điều hành ngân hàng và các nhà kinh tế đang tìm cách lý cách giải chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ bất chấp tâm lý xấu đi. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), hành vi của người tiêu dùng đang trở nên khó dự đoán hơn.

Tendayi Kapfidze, nhà kinh tế trưởng tại US Bank, cho biết: "Rất nhiều mối quan hệ vĩ mô mà chúng ta quen thuộc đã bị xáo trộn bởi đại dịch".

Người tiêu dùng Mỹ được cho đang có xu hướng sử dụng số dư tiền mặt cao của mình để "kích thích" sự tăng giá hơn là kiềm chế chi tiêu. Kiểm tra số dư tài khoản vẫn cao hơn trung bình từ 20 - 35% so với mức trước đại dịch.

Ông Kapfidze lưu ý, ngay cả đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp đang bắt đầu tiết kiệm mạnh hơn, lạm phát tiền lương và khả năng vay nợ dồi dào có khả năng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong năm tới tại Mỹ.

Nhu cầu tín dụng ở Mỹ đã tăng trở lại mức 2019 vào tháng trước sau khi giảm mạnh do hầu hết người tiêu dùng đã trải qua giai đoạn đầu của đại dịch để trả nợ - theo khảo sát tiếp cận tín dụng gần đây nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Các chuyên gia nhận định, người tiêu dùng Mỹ có thể đang giả định rằng Chính phủ liên bang sẽ một lần nữa hỗ trợ bảng cân đối kế toán hộ gia đình bằng các khoản thanh toán trực tiếp, thay vì để nền kinh tế rơi vào suy thoái vì biến thể Omicron mới có nguy cơ cản trở sự phục hồi.

2 tuần sau khi khẳng định nguy cơ lạm phát chỉ là "nhất thời", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hiện đã phát tín hiệu rằng các quan chức của cơ quan này sẽ họp vào tuần tới để đưa ra quyết định chính sách mới nhất, có khả năng thúc đẩy nhanh hơn trong việc mở rộng quy mô kích thích trở lại.

Ngoài ra, chi tiêu cao hơn có thể phản ánh mức chi tiêu bình thường cho kỳ nghỉ cuối năm sắp đến, đã được đẩy lên do lo ngại về tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng.

Trong khi sự kết hợp giữa giá cả cao hơn và nhu cầu liên tục sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn, các giám đốc điều hành ngân hàng cho biết họ lo ngại lạm phát có thể tăng quá nóng và cho rằng Fed nên hành động nhanh chóng nhưng cẩn trọng để hạ nhiệt nền kinh tế.