Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên "khóc ròng" sau lũ

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không ít hộ dân mất trắng cả vườn cây, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Tổn thất chưa từng có

Những cây đào Nhật Tân, vốn đã trở thành biểu tượng mỗi dịp Tết đến Xuân về, không chỉ là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình mà còn là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, sau đợt lũ hậu bão số 3, nhiều vườn đào bị thiệt hại nghiêm trọng.

Vườn đào Nhật Tân khô héo sau bão số 3. Ảnh: Cẩm Tú
Vườn đào Nhật Tân khô héo sau bão số 3. Ảnh: Cẩm Tú

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, gió bão mạnh và mưa lớn do bão số 3 đã làm đổ cây, gãy cành, tiếp đó lũ trên sông Hồng dâng cao gây ra tình trạng ngập lụt kéo dài tại khu vực trồng đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Không chỉ vậy, những ngày qua khi nước rút, nắng gắt khiến nhiều cây bị khô héo và không còn khả năng hồi phục.

Theo UBND quận Tây Hồ, tính đến thời điểm hiện tại, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại hơn 85 tỷ đồng. Đáng chú ý, phường Nhật Tân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 80ha bị ngập úng.

Nhiều vườn đào vẫn trong cảnh ngập úng. Ảnh: Cẩm Tú
Nhiều vườn đào vẫn trong cảnh ngập úng. Ảnh: Cẩm Tú

Bà Cao Thị Hảo (65 tuổi), một chủ vườn lâu năm tại Nhật Tân chia sẻ, hơn 90% số lượng cây đào của gia đình bà đã bị hỏng. "Chúng tôi đã dành cả năm để chăm sóc từng gốc đào, mong đợi chỉ vào mùa Tết. Nhưng khi bão đến, chúng tôi bất lực nhìn nước dâng, và chỉ sau một đêm, công sức đã đổ sông đổ bể. Hiện tại, các cây bị ngập nước quá lâu nên không thể cứu vãn được" - bà Cao Thị Hảo chia sẻ.

Do ảnh hưởng bởi bão số 3, vườn quất Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng thiệt hại nghiêm trọng. Đợt lũ đã làm ngập úng hàng chục nghìn cây quất, khiến cho khu vực này trở nên hoang tàn.

Chị Đoàn Thị Thơm (45 tuổi), một chủ vườn quất ở phường Tứ Liên chia sẻ: “Nhà tôi trồng 2.500 bình quất nhưng mất trắng 3/4 vườn, thiệt hại ước chừng khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Tôi vừa tiếc của nhưng cũng tiếc công sức mình đã bỏ ra”.

Mặc dù đã có kế hoạch chuẩn bị và huy động nhân lực để di dời các cây quất chậu, nhưng do nước lũ dâng lên quá nhanh, mọi nỗ lực của người dân chỉ giúp họ bảo vệ được một phần nhỏ lượng cây trồng. “Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến cảnh tượng như vậy. Gia đình tôi gần như không ăn không ngủ, suốt ngày đêm lo vận chuyển quất nhưng nước dâng lên quá nhanh” - chị Thơm bày tỏ.

Nhiều vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) bị thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Cẩm Tú
Nhiều vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) bị thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Cẩm Tú

Với gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề trồng quất, ông Nguyễn Gia Thành (74 tuổi) ngậm ngùi: “Gia đình tôi đã huy động 15 người để di chuyển các cây quất chậu lên đường với hy vọng nước không dâng đến đó, nhưng cuối cùng lũ cũng ngập hết”. Theo ông Thành, việc di chuyển những cây quất trồng trong đất là không khả thi vì phải chặt rễ, khi đó cây sẽ bị hỏng.

Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết, mưa lũ đã gây ngập 35,5ha quất trên địa bàn quận, với thiệt hại ước tính hơn 37 tỷ đồng. Trong đó, phường Tứ Liên có diện tích quất bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 35ha cây trồng chìm trong nước.

Hiện nay, công tác dọn dẹp và khôi phục tại khu vực trồng đào Nhật Tân đang được bà con khẩn trương triển khai. Ông Khanh - một chủ vườn cho biết: “Trước hết, những vùng trũng, cần sử dụng máy bơm để hút nước ra ngoài nhằm chống úng cho các nhà xung quanh. Sau khi đất đã khô, chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng cây sau 15 ngày để quyết định xem có thể cứu được không. Nếu cây không thể phục hồi, chúng tôi sẽ đánh gốc, bỏ cây và chuẩn bị dâm cành mới vào tháng Giêng”.

Những người trồng đào lâu năm chia sẻ, để trồng lại một cây đào từ cành giống sẽ mất từ 3 - 4 năm, trong đó hai năm đầu tiên chủ yếu là thời gian để cây phát triển và ổn định.

Được biết, trong thời gian chờ vào vụ mới, người dân vùng đào Nhật Tân có thể trồng hoa tươi ngắn ngày để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất, tạo thêm thu nhập.

Người nông dân trồng quất tại Tứ Liên cắt tỉa những cành cây đã chết để thu gom và chuẩn bị cho việc đốt bỏ. Ảnh: Cẩm Tú 
Người nông dân trồng quất tại Tứ Liên cắt tỉa những cành cây đã chết để thu gom và chuẩn bị cho việc đốt bỏ. Ảnh: Cẩm Tú 

Chia sẻ về các biện pháp khắc phục vườn quất sau đợt lũ lụt, nhiều người dân cho biết, tình trạng thiệt hại nặng nề khiến việc cứu vãn vườn cây gần như không thể. Hiện tại, người nông dân chỉ có thể tiến hành cắt tỉa những cành cây đã chết để thu gom, dọn dẹp vườn tược. Đồng thời tận dụng lại các chum quất cũ, hy vọng có thể tái sử dụng cho vụ mùa sau.

Ngoài ra, những cây quất kịp sơ tán để tránh thiệt hại do lũ lụt cũng đang được đưa trở lại các khu vườn để tiếp tục chăm sóc và phục hồi. Có thể nói, đây là những nỗ lực cuối cùng của người nông dân nhằm cứu vãn phần tài sản còn sót lại sau lũ.