Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Người Việt tại Nga mùa đại dịch] Bài 2: Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Nguyễn Thảo Nguyên (từ Liên bang Nga)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 30/3, theo sắc lệnh do Thị trưởng TP Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, TP Matxcơva sẽ thực hiện chế độ cách ly. Mọi cư dân Matxcơva chỉ được phép rời nhà trong các tình huống: Cấp cứu; tới nơi làm việc vì không thể làm việc từ xa; tới cửa hàng tạp hóa hay nhà thuốc gần nhất; dắt thú đi trong vòng bán kính 100m quanh nơi ở và đi đổ rác.

Sát cánh hỗ trợ cộng đồng
Mặc dù ai cũng đoán biết được điều này sẽ xảy ra nhưng lệnh cách ly vẫn rất đột ngột, làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của cư dân Nga, đặc biệt là sinh kế của hàng chục nghìn người Việt đang cứ trú tại Matxcơva.

Hơn 5 năm về trước, cộng đồng người Việt, ngoài các Hội Người Việt, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Doanh nghiệp ra, còn tồn tại 18 Hội đồng hương khác, mà logo treo thành một dãy trên baonga.com. Nhưng sau đó, đại đa số các Hội đồng hương đã lặng lẽ thu quân, cho đến khi cơn đại dịch xảy ra, chỉ còn vài ba hội tồn tại bộ máy.

Một điều rất bất ngờ, ngay khi TP ban bố lệnh phong tỏa, lập tức trên trang mạng xã hội, lần lượt xuất hiện các tổ chức và cá nhân thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng, nổi bật là Sy Bang Ho, Thanh Tuan, Do Quy Duong, Vinh Ha… Các cá nhân này đứng ra hoàn toàn tự phát với mục đích giống nhau là cung cấp thông tin cho cộng đồng, hỗ trợ phiên dịch và sinh hoạt. Đồng thời, bên Đại Sứ quán, Ban Công tác cộng đồng cũng kịp thời có mặt sát cánh cùng các nhóm thiện nguyện, với những cán bộ năng nổ như Lý Tiến Hùng và các sinh viên trường y khoa và các trường khác.

Sự xuất hiện của các tổ chức này rất kịp thời và hiệu quả. Một công việc có thể nói là vất vả ngoài sức tưởng tượng, đó là hỗ trợ hàng chục gia đình sống trong ba ký túc xá gần chợ bị giải tỏa. Do yêu cầu cách ly, ba khu ký túc xá bao gồm các tiểu thương Việt Nam, Trung Quốc và khá nhiều lao động phổ thông, buộc phải rời đi chỗ khác. Đa phần họ thiếu giấy tờ hợp lệ, túng thiếu, không biết tiếng Nga và khó khăn về mặt tài chính. Không ai đủ khả năng chứa chấp họ, trong lúc người người, nhà nhà cách ly!
Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Matxcơva đang tiến hành khử khuẩn khu khám, chữa bệnh. Ảnh: Nguyễn Thảo Nguyên
Trên trang Sy Bang Ho có ghi: “Và điều đặc biệt nhất, được ưu tiên hàng đầu: Những người bị bệnh phải được nhập viện, cứu chữa kịp thời để không nguy hiểm tới tính mạng.

Cho đến lúc này đã gần 3 giờ 30 sáng, chúng tôi vẫn đang chờ cho một người trong tốp cần “giải cứu” nhập viện xong xuôi thì mới có thể ngủ.

Tối qua, anh em nhóm họp bàn đến tận gần 3 giờ sáng chỉ với một việc: Bàn phương án “giải cứu” đồng bào.

Lãnh đạo Đại Sứ quán cũng thức cùng anh em”.

Giúp nhau qua cơn hoạn nạn

Như là một chiến dịch, các tổ chức thiện nguyện, phối hợp vối Đại sứ quán đã liên hệ, tỏa ra nhiều nơi, đàm phán, thu xếp với các khu vực ngoại ô, những chủ căn hộ còn trống chỗ… để cứu giúp bà con trong cơn hoạn nạn. Kết quả, chỉ trong vòng chưa đầy 5 ngày, hàng chục chuyến ô tô đã đưa họ đến các khu nhà vườn của công nhân, ở ghép chung căn hộ với những người có thể thu xếp được. Quả thật, nếu không có sự chung tay của những con người có tấm lòng vàng này, thì sự thể chưa biết sẽ xảy ra thế nào?

Đọc lại nhật ký của các cá nhân và tổ chức thiện nguyện của người Việt tại Nga suốt từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 5, thời kỳ cao điểm nhất, mới thấy kinh hoàng. Có ngày, trên trang Sy Bang Ho (Hồ Sỹ Bằng) ghi tới 12 ca nhiễm, còn phổ biến 5 – 6 ca mỗi ngày.

Những người bị nhiễm gọi theo số điện thoại của các nhóm Hỗ trợ cộng đồng, Người Việt chợ Chim, Người Việt chợ Liu… đều được sinh viên phiên dịch, tư vấn qua điện thoại, thậm chí họ đến tận bệnh viện giúp làm thủ tục. Công việc này không phải một ngày, mà diễn ra hàng tháng trời, ngày cũng như đêm, trong lúc đó, các sinh viên không có tiền phụ phí, phải tự lo phương tiện, lo ăn uống.

Với những người mới có biểu hiện sốt, chưa khẳng định lây nhiễm, không đến bệnh viện, thì có “Nhóm Bác sĩ hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà” đảm nhận. Họ là những người có kiến thức y học, tận tâm, luôn tìm đến tận nhà bệnh nhân để thăm khám cho họ. Mà Matxcơva thì rộng mênh mông, xe riêng không được đi lại, đến đâu cũng bằng phương tiện công cộng, bình thường khó lòng đến được nhưng khi có người Việt gặp hoạn nạn, họ bất chấp thời tiết cũng như mọi trở ngại.

Theo sáng kiến của anh em sinh viên, một tủ thuốc bao gồm các loại biệt dược đề phòng và ngăn virus SARS-CoV-2 dành cho những người khó khăn được thiết lập tại Dom 4 Visnhevxki, một khu khá đông người Việt sinh sống với lời quảng cáo rất chân thành: “Bà con nào cần mà không mua được, báo địa chỉ để tôi ship tới nếu cần thiết! Ai cần loại nào trong hình ảnh, có thể lấy và thanh toán tiền theo giá mua gốc (có hóa đơn kèm theo ở dưới) để hoàn tiền vào quỹ hỗ trợ người khó khăn hơn. Ai khó khăn sẽ được tặng miễn phí”.

Những nhóm này luôn bổ sung nhân sự mới, càng về sau, càng đông sinh viên tham gia. Thậm chí có ý kiến đề xuất Đại sứ quán tặng giấy khen cho họ nhưng các anh chị làm thiện nguyện, đều cho trả lời một cách giản dị, là họ làm việc một cách tự giác, xuất phát từ tấm lòng của những người Việt Nam xa xứ, cho nên các hình thức khen thưởng là không cần thiết!

Dù “không ai đòi, ai bắt”, nói như cụ Đồ Chiểu nhưng các Công ty Tâm Tâm, Niệm Phật đường Thảo Đường… và hàng chục cá nhân khác đều đóng góp vào Quỹ hỗ trợ cộng đồng một số tiền không nhỏ. Tính từ khi có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên cho đến giữa mùa Hè, có tới hàng chục người bị chết. Nhiều người quá cố không có thân nhân, không tiền bạc nhưng các nhóm thiện nguyện, đặc biệt là các Hội đồng hương hiện đang còn hoạt động, chủ xưởng… đã lo rất chu tất, từ điếu văn, hương hoa, đến tang lễ. Tranh thủ có các chuyến bay cứu trợ, số di cốt đó đã được nhờ chuyển gửi về đến tận gia quyến.

Sưởi ấm trái tim

Bất ngờ nhất là những chủ nhà hàng ăn như nhà hàng Vinh Hà, mỗi ngày lo chuẩn bị hàng chục suất cơm, tự lái xe mang đến bệnh viện cho những bệnh nhân nghèo. Các chủ hàng khô, nhà hàng “Coffee Saigon”, thông cảm với những bác sĩ Nga làm việc quá vất vả đã chủ động mang hàng kiện cà phê tới phân phát cho họ. Thoạt tiên, các bác sĩ và nhân viên ở đó không hiểu, họ nghĩ là bị chào hàng nhưng khi hiểu ra, thì vô cùng xúc động. Có một bệnh nhân viết trên Facebook rằng: “Các anh chị ơi, các bác sĩ Nga tốt quá, em muốn tặng quà cho họ có được không”. Hầu như các comments đều trả lời giống nhau là, họ không lấy gì đâu em ạ!

Trên báo Nga ngày 8/4/2020, có một bài báo đề một cái tít rất nổi bật: “Khẩu trang Việt Nam phát miễn phí!”. Bài báo viết về những người Việt Nam đứng phát tặng khẩu trang cho những người Nga đi đường với những bức ảnh chụp những người Việt nhỏ bé, bên những hộp giấy đựng khẩu trang đủ màu. Trên trang mạng xã hội còn đăng một lá thư rất xúc động của một bác sĩ Nga, đó vừa là một sự hàm ơn, một lời đánh giá, một tình nghĩa ấm áp.

("Большое спасибо за Вашу поддержку и добрые слова - они необыкновенно согревают сердца врачей и всего персонала, задействованного в работе в текущей ситуации.

Будьте здоровы и берегите себя!")

Tạm dịch: "Cảm ơn các bạn rất nhiều vì sự ủng hộ và những lời tốt đẹp mà các bạn đã dành cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện chúng tôi. Những lời đó đã thật sự sưởi ấm trái tim của các bác sĩ và tất cả các nhân viên đang tham gia vào công việc cứu chữa bệnh nhân trong tình huống hiện nay.

Chúc các bạn thật khỏe và hãy cố gắng chăm lo bản thân nhé!".

Thậm chí ông chủ chợ Xadovod, người ta thường gọi là chợ Chim, nơi có gần 20.000 người Việt làm việc đã tự nguyện gửi biếu bà con 200.000 rúp, tương đương 2.700 USD để góp phần giúp bà con người Việt qua cơn hoạn nạn.

Lẽ ra, hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi thi xong, hết hạn giấy tờ; những người thăm người thân hết hạn cư trú, phải về nước nhưng chính quyền Nga đã mặc nhiên gia hạn cho họ đến khi có máy bay về nước.

(còn nữa)