Gia tăng bệnh nhân mắc sởi
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, từ đầu năm tới nay, toàn TP ghi nhận 116 ca mắc, rải rác tại 25 quận, huyện, thị xã, không có ổ dịch lớn, tập trung nhiều người mắc, không có ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc mới năm 2019 tại Hà Nội đã tăng cao tới hơn 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại TP Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận tới 978 bệnh nhân sởi, trong đó tới 95% người bệnh chưa được tiêm phòng. Tính chung trên cả nước ghi nhận trên 1.000 trường hợp mắc sởi từ dịp Tết Nguyên đán đến nay.Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, điều kiện thời tiết giao mùa ẩm ướt, thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi để virus sinh sôi, số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2019. Nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nếu người dân chủ quan, không chú ý phòng bệnh cũng như không đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần, năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch, trong khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp do số người chưa tiêm vaccine vẫn còn cao. Hơn nữa, sự gia tăng giao lưu, du lịch, các tỉnh, TP thường xuyên biến động dân cư như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... sẽ khiến cho nguy cơ bùng phát dịch lớn, dịch bệnh khó kiểm soát. Tuy sởi là căn bệnh lành tính, dễ lây lan và có thể tự khỏi, nhưng bệnh có thể gây ra các nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh tốt nhấtTheo ông Trần Đắc Phu, để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao. Đồng thời tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, TP từ cuối năm 2018 đến nay.Còn tại Hà Nội, Sở Y tế đã chủ động triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ em từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn, vì vậy số trường hợp mắc bệnh được khống chế. Tuy nhiên, để phòng, tránh bệnh hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, người dân nên chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine vì đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất. Đối với trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi, cha mẹ hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh, nên thực hiện cách ly, hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Đồng thời thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Đặc biệt, không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi gặp các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban), người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. “Không nên đưa người bệnh điều trị vượt tuyến khi không cần thiết nhằm tránh quá tải. Thêm vào đó, môi trường bệnh viện dễ gây lây nhiễm chéo, khi người bệnh tới điều trị có thể mắc thêm các bệnh phối hợp, khiến bệnh từ nhẹ thành nặng, rồi vướng phải các nguy cơ về sức khỏe không đáng có” - TS Đỗ Duy Cường khuyên.