KTĐT - Theo Kế hoạch Hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, đến năm 2015, 100% học sinh tiểu học sẽ được cấp sách miễn phí. Tỷ lệ này ở cấp trung học cơ sở là 30%.
Hàng loạt chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch Hành động quốc gia giáo dục cho mọi người (2003-2015) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nguy cơ “phá sản”, không thể đạt được.
Vì thế, tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch này (2003-2008) được Bộ tổ chức sáng nay, ngày 5/1/2010, tại Hà Nội, lãnh đạo Ban điều phối Kế hoạch đã kiến nghị điều chỉnh xuống hàng loạt chỉ tiêu.
Cấp sách miễn phí: Không khả thi vì tài chính
Theo Kế hoạch Hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, đến năm 2015, 100% học sinh tiểu học sẽ được cấp sách miễn phí. Tỷ lệ này ở cấp trung học cơ sở là 30%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban điều phối Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu trên là quá cao và không thể thực hiện được.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, hiện đã đạt chỉ tiêu 100% học sinh diện chế độ chính sách, vùng khó khăn được cấp phát miễn phí sách giáo khoa. Tuy nhiên, để cấp sách miễn phí cho toàn bộ học sinh tiểu học, khoản chi bổ sung sẽ là 500 tỷ đồng mỗi năm. Với khoảng chi phí này, ông Phạm Ngọc Định, Phó trưởng Ban điều phối Kế hoạch, Phó vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học, cho rằng, đây sẽ là một khó khăn lớn về kinh phí cho Nhà nước và để giải quyết, cần có sự chia sẻ của xã hội.
Ở cấp trung học cơ sở, con số 30% học sinh được phát sách giáo khoa miễn phí cũng là một bài toán kinh tế khó giải.
Chặng đường của kế hoạch này vẫn còn 5 năm nữa, nhưng trước những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện, Ban điều phối đã kiến nghị điều chỉnh việc cấp sách giáo khoa. Theo đó, đến năm 2015, sẽ chưa cấp miễn phí sách cho toàn bộ học sinh tiểu học mà chỉ cấp cho đối tượng học sinh là con em gia đình chính sách, vùng khó khăn.
Tương tự, tỷ lệ 30% học sinh trung học cơ sở được cấp sách miễn phí cũng thay bằng việc chỉ cấp sách cho “100% học sinh diện chính sách, vùng khó khăn”.
Kiến nghị giảm một nửa chỉ tiêu
Bên cạnh vấn đề sách giáo khoa, tổng kết sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cho thấy rất nhiều chỉ tiêu khó đạt được vào năm 2015.
Ở bậc tiểu học, chỉ tiêu vào năm học 2010-2011, tất cả các phòng học tạm được thay thế bằng phòng học kiên cố, 100% số trường tiểu học có thư viện là một thách thức khi tới nay, vẫn còn 7,7% phòng học tạm và có tới 16,82% trường tiểu học chưa có thư viện mà chỉ có “kho” chứa sách giáo khoa, tài liệu…
Kế hoạch đặt ra là đến năm 2015, thực hiện chế độ học cả ngày ở tất cả các trường tiểu học. Nhưng năm học 2008-2009, số học sinh học 2 buổi/ngày trên cả nước mới đạt tỷ lệ 36% và có sự chênh lệch giữa các khu vực. Cụ thể, ở đồng bằng, duyên hải miền Trung đạt tỷ lệ khá cao, trên 70%; trong khi đó ở Tây Bắc, Tây Nguyện, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ rất thấp, có nơi chỉ trên 12%.
Ban điều phối kế hoạch cũng cho biết chỉ tiêu 100% trường tiểu học có phòng máy tính vào năm học 2010-2011 là không thể thực hiện được vì hiện số trường có phòng máy chỉ tập trung ở một số thành phố và chủ yếu nhờ huy động các nguồn ngoài ngân sách.
Tương tự, ở cấp trung học cơ sở, mục tiêu thực hiện chế độ học cả ngày ở tất cả các trường là khá xa vời khi năm 2008, tỷ lệ phòng học mới đạt 0,91 phòng/lớp, tỷ lệ học sinh học cả ngày mới đạt 6%. Con số 100% trường trung học cơ sở có phòng máy vi tính cũng là khó khả thi khi đến nay, tỷ lệ này mới đạt được khoảng 30%.
Khi không thể chạy nước rút trong chặng đường còn lại, Ban điều phối kiến nghị giảm chỉ tiêu học sinh học hai buổi/ngày ở cả cấp tiểu học và trung học từ 100% xuống còn 50%!
Mục tiêu giáo dục cho mọi người đối với giáo dục không chính quy cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền núi Bắc Trung Bộ. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế các vùng này còn thiếu thốn, người chưa biết chữ đa số lớn tuổi, là lao động chính trong gia đình, trong khi nhận thức về lợi ích của việc học tập còn hạn chế. Hơn nữa, đây lại là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều phong tục lạc hậu, sống du canh du cư, không tập trung nên hiện tượng tái mù gia tăng./.
Kế hoạch Hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/7/2003, là một trong những kế hoạch quan trọng nhằm phát triển giáo dục và là công cụ để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Giáo dục cho mọi người nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của mỗi thành viên trong xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc. |