Biến tướng cho vay nặng lãi
Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do người Trung Quốc cầm đầu, thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP trên cả nước.
Đáng chú ý, trong vụ án này, các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm. Trong đó, tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Cơ quan công an cho hay, một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là App). Điển hình có thể kể đến các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay tín dụng đen.
Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá. |
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận tại địa chỉ trên có hai công ty (Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City) đang hoạt động cho vay tín chấp do ông Nguyễn Khắc Hạnh làm Giám đốc và một người tên là Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm Phó Giám đốc. Hai công ty này đăng ký kinh doanh tại Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5/2019 với khoảng 30 nhân viên là người Trung Quốc và Việt Nam hoạt động.
Trả lời báo chí, Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện có khoảng 60 - 70 DN của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam lập DN và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online. Các DN này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Bản chất là cho vay nặng lãi, và nhiều khả năng nguồn vốn từ Trung Quốc chuyển qua. Năm 2019, Trung Quốc siết hoạt động cho vay ngang hàng, nhiều DN Trung Quốc đã chạy qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vì Việt Nam chưa có hành lang pháp lý chặt cho hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua App.
Vẫn còn kẽ hở
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Hùng - Công ty Luật TNHH CHD LAW cho hay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, điện thoại thông minh, không chỉ ở các TP lớn mà ngay cả các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh cũng được tiếp cận thông tin nhanh chóng với các App, vừa hỗ trợ công việc làm ăn cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các App liên quan đến tài chính phát triển, làm gia tăng hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, ảnh hưởng trật tự xã hội.
Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện các App do người nước ngoài quản lý, điều hành. Với thủ tục vay vốn đơn giản mà không cần tài sản thế chấp, chứng minh tài chính như cách vay tiền truyền thống; xuất phát từ nhu cầu thực tế, lại được mời gọi nhiệt tình, thủ tục nhanh gọn khiến một số người lầm tưởng đây là những công ty tài chính được thành lập theo đúng quy định pháp luật nên “tặc lưỡi” vay mượn tạm. Nhưng trên thực tế, hoạt động cho vay thông qua App này là hình thức tín dụng đen của các cá nhân, tổ chức chuyên cho vay nặng lãi.
“Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trong giao dịch dân sự lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Đối với khoản vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN thì pháp luật không áp mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính mà là công ty tài chính đưa ra mức lãi suất cho vay cụ thể và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, nếu được chấp thuận thì công ty tài chính được quyền áp dụng (mức lãi suất này có thể cao hơn 20%/năm).
Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng đen tự phát có thể từ 100 - 300%/năm, thậm chí lên đến 1.000%. Để thu hồi các khoản cho vay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều có liên kết với các nhóm xã hội đen để thực hiện nhiệm vụ chuyên đòi nợ thuê để đòi nợ bằng các hình thức “khủng bố” tinh thần, bắt giữ người trái phép. Hầu hết những người vay vốn đều phải xoay đủ mọi cách để chi trả khoản vay, thậm chí, bán hết tất cả các tài sản mà mình có” - luật sư Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, chính vì thủ tục nhanh gọn, tiền được chuyển ngay lập tức vào tài khoản nên có rất nhiều người tham gia vay qua App, rơi vào bẫy tín dụng. Với lãi suất cao, khi con nợ mất khả năng thanh toán, các đối tượng bằng thủ thuật dùng một App khác cho vay trả nợ, cứ như thế tổng số tiền nợ gốc, lãi của con nợ rất lớn. Đến lúc này, các đối tượng cho vay quấy nhiễu, thậm chí đe dọa để ép con nợ phải trả tiền. Căn cứ theo quy định của luật, các công ty tài chính sẽ căn cứ vào mức lãi suất cho vay cơ bản của Ngân hàng Nhà nước để đề ra mức lãi suất áp dụng cho mình.
Luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của các công ty tài chính là bao nhiêu, mà lãi suất tối đa cho mục đích tiêu dùng tại công ty tài chính do công ty tài chính tự điều chỉnh và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng.
“Chính vì quy định pháp luật như vậy, nên các công ty tài chính có mức lãi suất rất cao, thậm chí vượt cả mức quy định của tội cho vay nặng lãi mà vẫn không bị xử lý hình sự. Đây là kẽ hở, cơ sở pháp lý để cho các công ty tài chính hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng với mức lãi suất cao như hiện nay mà không bị xử lý trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước cần có quy định siết chặt hơn các hoạt động cho vay tiêu dùng, có hình thức bắt buộc các công ty phải niêm yết, thông báo cho người vay biết rõ ràng về mức lãi suất, trách nhiệm rủi ro khi không trả được nợ.
Cùng đó, nên xây dựng các hành lang pháp lý, siết chặt mức lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan. Không thể để thả nổi mức lãi suất cho vay tài chính của các công ty tài chính như hiện nay.
"Có cung thì ắt có cầu, đó luôn là mảnh đất màu mỡ cho các App phát triển và không ngừng mở rộng vòi bạch tuộc của mình. Cùng đó, do thiếu hành lang pháp lý đối với hình thức vay tiền qua App dẫn tới việc các ứng dụng phát triển như “nấm mọc sau mưa” mặc sức hoành hành nhưng không bị chế tài hay cơ quan nào quản lý. Vậy nên, để giải quyết nạn tín dụng đen thông qua các App, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền cho người dân tránh và tố giác tín dụng đen; làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác; xử lý triệt để các đường dây cho vay nóng, vay nặng lãi trái quy định" - Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Công ty Luật TNHH CHD LAW |