Bệnh nhân mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở tăng dần, suy hô hấp vào cấp cứu phải đặt ống nội khí quản thở máy hỗ trợ. Bệnh nhân tụt huyết áp phải dùng kết hợp 3 thuốc vận mạch, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng PH thấp hơn 6,9, suy đa tạng tình trạng rất nguy kịch.
Theo lời người nhà, bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường và đang sử dụng một loại thuốc điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc xuất xứ dạng viên màu vàng không có nhãn mác, không rõ thành phần, hàm lượng và nơi sản xuất, được người nhà mua theo quảng cáo truyền miệng. Thời gian đầu chỉ số đường huyết có giảm nhưng bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, ý thức chậm chạp, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực khó thở và người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu ngày 13/5/2021.
Tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện, bệnh nhân đã được hội chẩn tập thể các bác sĩ trong khoa và được chẩn đoán sơ bộ: Nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng do ngộ độc thuốc nam/ đái tháo đường type 2
“Kết quả các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân N.V.P. lúc này cho thấy, bệnh nhân trong tình trạng rất xấu, đái tháo đường type 2, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng chưa rõ nguyên nhân, suy đa tạng, đe dọa ngừng tim. Nếu tình trạng này không được cấp cứu, xử trí kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao” – bác sĩ Nguyễn Sơn Nam - Khoa Hồi sức tích cực, chống độc cho biết.
Thông qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định vừa hồi sức tích cực: Thở máy, duy trì 3 thuốc vận mạch, đặt theo dõi huyết áp động mạch liên tục vừa kết hợp lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu CVVH kết hợp với quả lọc hấp phụ.
Nhờ điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân được cải thiện tốt dần lên. Sau 2 ngày lọc máu liên tục, tình trạng nhiễm toan được cải thiện, thuốc vận mạch giảm dần và cắt vào ngày thứ 3. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường và không để lại di chứng
Song song với quá trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã nhanh chóng gửi túi thuốc do người nhà cung cấp tới Viện Pháp y Quốc gia để phân tích thành phần. Kết quả, trong viên thuốc có thành phần phenformin - là loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường từ những năm 1950. Thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi sử dụng. Hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin trong điều trị.
Gặp con gái của bệnh nhân P. trong buồng bệnh, chị tâm sự trong vui mừng “Gia đình tôi rất may mắn khi đưa bố tôi đến bệnh viện kịp thời, lại gặp được các bác sĩ vừa giỏi vừa có tâm tại khoa Hồi sức tích cực đã chẩn đoán đúng tình trạng và cứu chữa kịp thời cho bố tôi vượt qua cửa ngõ của tử thần. Nhờ các bác sĩ mà bố tôi được sống lại lần thứ 2 trong gang tấc. Tôi thật sự biết ơn và cảm ơn đội ngũ bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông”.
Bác sĩ Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài các bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Đến nay, thế giới chưa có loại thuốc nào giúp chữa dứt điểm bệnh tiểu đường chỉ sau một vài đợt điều trị. Do vậy, hiện nay có nhiều người lợi dụng sự lo lắng, thiếu kiên trì của bệnh nhân để quảng cáo về những phương thuốc bí truyền có thể chữa khỏi bệnh này.
Để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các bác sĩ cảnh báo, người bệnh không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là viên thuốc dạng viên hoàn, bài thuốc bí truyền chưa được kiểm định để tự điều trị tiểu đường. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định các biện pháp điều trị an toàn và tư vấn dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.