Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức: Cách nhìn mới về văn hóa

Hà Bình - Thu Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức đã dẫn lại câu nói của Bác Hồ khi trao đổi về vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội tại Tọa đàm “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Lại Tấn 

Đánh giá về văn hóa không hề dễ
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, đánh giá về những nét nổi bật trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiệm kỳ qua, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, Dự thảo Văn kiện đã chỉ ra khá rõ những kết quả đạt được, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. “Trong Dự thảo không kể quá nhiều về thành tích, nhưng theo tôi, phát triển văn hóa tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả, với các chương trình hay được triển khai. Không phải bỗng dưng UNESCO công nhận Hà Nội là "Thành phố sáng tạo", điều đó có được nhờ một phần không nhỏ từ yếu tố văn hóa”- TS Nguyễn Viết Chức nhận định. Đồng thời cho rằng, mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn, gây bức xúc, nhưng nên đánh giá một cách công bằng, khách quan.
Hà Nội có hơn 6.000 di sản, nhiều di sản đã được thế giới công nhận, đó là một nguồn lực rất lớn từ văn hóa. Chính vì thế, vấn đề ở đây là đặt văn hóa đúng theo Nghị quyết của Đảng: Văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Văn hóa phải làm ra kinh tế, chứ không phải văn hóa chỉ tiêu tiền. Ý tứ Dự thảo cũng phần nào đề cập tới và tôi thấy rất hay.
TS Nguyễn Viết Chức
“Đánh giá về văn hóa nói chung không hề dễ. Bây giờ nhiều người hay nói vui, “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”. Như vậy là văn hóa đang xuống cấp sao? Tôi nghĩ rằng, phải đánh giá một cách công bằng, Hà Nội bây giờ đẹp hơn nhiều, khách quốc tế cũng ngỡ ngàng vì Hà Nội thay đổi, hiện đại, nhưng trong cái hiện đại đó vẫn giữ được những khuôn khổ, di sản, di tích... Chỉ riêng về kiến trúc, kiến trúc hiện đại và kiến trúc cổ đang đan xen nhau, tạo ra điểm nhấn của Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ cảnh quan đẹp, người Hà Nội cũng đều có ý thức để làm sao cho TP đẹp hơn, tự thấy khó chịu với những điều không hợp với văn hóa. Đó cũng chính là thay đổi tiến bộ trong nhận thức, nên đánh giá cao”- TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Đi sâu vào các vấn đề cụ thể, TS Nguyễn Viết Chức đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết được Dự thảo đề cập đến là xây dựng, phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa, Như vậy, vấn đề về văn hóa đã có cách nhìn mới, không phải văn hóa chỉ là nơi tiêu tiền, nếu biết phát huy thế mạnh hay điều chúng ta hay gọi là sức mạnh mềm, văn hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển. “Đặc biệt qua đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi, thế giới khâm phục Việt Nam, nguyên nhân, theo tôi là do văn hóa của chúng ta. Đó là nhờ văn hóa đồng lòng, văn hóa tương thân tương ái... để chung tay, góp sức vượt qua khó khăn. Đó chính là sức mạnh của văn hóa cần phải đánh giá sâu sắc hơn”- TS Nguyễn Viết Chức nhận định.
Một điểm nhấn nữa cũng được TS Nguyễn Viết Chức đề tập tới là văn hóa trong chính trị. Theo ông, trong Dự thảo đã nêu rõ, “việc xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế chưa được hài hòa”, dù câu ngắn nhưng thể hiện Ban soạn thảo đã rất nghiêm túc, nghiêm khắc trong đánh giá. “Từ thực tiễn tôi nhận thấy, văn hóa trong chính trị đang bị suy thoái, suy thoái cả tư tưởng đạo đức, cả trong lối sống buông thả. Tuy một câu như thế nhưng lại hiểu ra: Phải quán triệt tại sao chưa hài hòa và tại sao phải đặt vấn đề văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế. Chính vì thế, nêu gương cũng là câu chuyện văn hóa, sàng lọc và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là chuyện văn hóa cần đề cập đến”- TS Nguyễn Viết Chức góp ý.
Xây dựng văn hóa người Hà Nội, nên hiểu rộng hơn
Với việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, theo TS Nguyễn Viết Chức, phải hiểu rộng ra hơn không chi ở lời ăn, tiếng nói và nên đưa ra tiêu chí cụ thể hơn. Trước hết phải thấy rằng, văn hóa là sự hội tụ tinh hoa bốn phương. Qua nghiên cứu cho thấy, những người ở các địa phương khác khi đến Hà Nội được màng lọc của văn hóa Thăng Long - Hà Nội lọc, để giữ lại những gì phù hợp nhất, tinh túy nhất, làm cho văn hóa Hà Nội càng ngày giàu có hơn, tỏa sáng hơn. Nên dù là người gốc hay không gốc Hà Nội, nhưng đã sống ở trên đất này, phải thể hiện được văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa của thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, đặt vấn đề xây dựng văn hóa người Hà Nội cũng nên chú trọng đến khía cạnh, khẳng định người Thăng Long - Hà Nội phải là những người khỏe về thể chất và lành mạnh về tâm hồn, có khả năng thích nghi đời sống hiện đại, nhất là trong giới trẻ. Hơn nữa, cần xây dựng con người Hà Nội tự trọng, trung thực; cán bộ càng cao thì càng phải đề cao sự tự trọng. “Tôi rất quan tâm đến chữ kính trọng dân, thể hiện bản chất của văn hóa. Phải hiểu biết mới kính trọng dân, cán bộ phải hiểu rằng mình là công bộc, đang được Nhân dân tín nhiệm, dân đang nuôi mình. Chính vì thế cần nêu cao tinh thần tự trọng và trung thực”- TS Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.
Đề cập đến một vấn đề đã được Dự thảo chỉ ra là, "vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa chưa được chú trọng đúng mức", TS Nguyễn Viết Chức nhận định “câu này nhận định rất đúng, tôi đánh giá rất cao”. Nhưng theo ông, vấn đề là cần tìm ra nguyên nhân do đâu, “đúng mức” là như thế nào. “Chuyện xây dựng văn hóa không dễ nhưng lại rất dễ nếu như tất cả những người làm văn hóa có nghề; những người làm lãnh đạo về lĩnh vực văn hóa đều vì sự nghiệp văn hóa, lắng nghe những người khác đóng góp ý kiến, đừng coi mình có quyền. Khi đó, trở lại vấn đề đào tạo cán bộ là vấn đề then chốt, khâu quyết định”- TS Nguyễn Viết Chức góp ý. Đồng thời cho rằng, khi đã nhận ra hạn chế, trong giai đoạn tới, TP nên có giải pháp để khắc phục được vấn đề này.