Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu bài viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Trước hết, phải nói đồng chí Đỗ Mười là người mà cả cuộc đời đã "tận trung với nước, tận hiếu với dân”, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Trong lao tù đế quốc Pháp trước cách mạng năm 1945, đồng chí đã kiên trung, bất khuất, vượt nhà tù Hỏa Lò để về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đồng chí được Đảng phân công hoạt động từ các cơ sở, làm Bí thư nhiều tỉnh, thành phố và Khu Tả Ngạn, làm Bộ trưởng nhiều bộ quan trọng, rồi làm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi đồng chí Phạm Hùng qua đời năm 1988, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, và nửa nhiệm kỳ khóa VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến khi nghỉ công tác ở tuổi 84, đồng chí vẫn luôn học tập, làm việc, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Làm nhiệm vụ gì đồng chí cũng hoàn thành và có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng.
Tuy là người không học cao theo hệ chính quy, nhưng đồng chí rất ham học tập qua thực tiễn, qua đọc sách, nghiên cứu. Tôi được biết hiếm có đồng chí lãnh đạo nào chịu khó nghiên cứu để tự nâng trình độ hiểu biết về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội như đồng chí. Chính vì vậy, đồng chí hiểu biết toàn diện, sâu sắc nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước. Mỗi khi đến thăm đồng chí, kể cả khi đồng chí đã nghỉ công tác, lúc nào tôi cũng thấy đồng chí đọc những tư liệu, những sách mới xuất bản (dày 400-500 trang) quan trọng. Đồng chí thường hỏi những vấn đề thời sự mọi người quan tâm và chỉ cho tôi những trang, dòng quan trọng đồng chí mới đọc. Tôi tự nghĩ đồng chí Đỗ Mười là người nêu tấm gương mẫu mực nhất về tinh thần học, học nữa, học mãi, học để có kiến thức làm việc và làm việc có hiệu quả.
Ấn tượng sâu sắc của tôi là đồng chí Đỗ Mười trên cương vị công tác nào cũng làm việc hết mình. Năm 1972, khi là Phó Thủ tướng Chính phủ (khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng), đồng chí đã triệu tập các bộ hữu quan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bàn việc mỏ than Mạo Khê mở rộng xuống mức âm 150m theo hiệp định Trung Quốc giúp ta thiết kế và xây dựng cùng với xây dựng cầu Thăng Long khi đó. Đây là cuộc họp cấp Chính phủ triệu tập mà không có giờ nghỉ trưa, cuối cùng đã có kết luận rõ trách nhiệm mọi việc cần giải quyết thuộc các bộ, các ngành, địa phương và cần làm. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về ngày làm việc với đồng chí Đỗ Mười.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm công trình khí và làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) |
Sau này, kể từ năm 1982 đến nay, tôi càng hiểu sự quan tâm xây dựng nền công nghiệp nước nhà của đồng chí. Tôi thiết nghĩ có được nhiều công trình xây dựng và cơ sở công nghiệp về nhiệt điện, thủy điện, cơ khí, thủy lợi lớn như Hòa Bình, Uông Bí, Phả Lại, Diezel Sông Công, Apatít Lào Cai, dầu khí Vũng Tàu - Nam Côn Sơn, thủy lợi Dầu Tiếng - An Giang... thì công lao đóng góp của đồng chí Đỗ Mười và lớp cán bộ lãnh đạo đi trước thật không sao kể hết. Chính nhờ những chủ trương đúng đắn về phát triển công nghiệp trước đây mà đã tạo dựng được cơ sở và điều kiện cho công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế thành công như hiện nay.
Những năm đầu đổi mới, tôi được Đảng phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Chính phủ, Bộ Chính trị luôn quan tâm giúp đỡ Hà Nội giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng để xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ tem phiếu, giữ vững Thủ đô Hà Nội ổn định và phát triển. Nhờ sự giúp đỡ của Trung ương và đồng chí Đỗ Mười với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) rồi cương vị Tổng Bí thư của Đảng mà Thủ đô đã thực sự đổi mới đúng hướng, phát triển nhanh với những bước đi vững chắc, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm tuổi hôm nay.
Nhớ lại sự kiện mất ổn định nông thôn Thái Bình cuối năm 1997, tôi được Bộ Chính trị giao trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Chính trị về giải quyết. Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, sau là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã luôn luôn quan tâm, theo dõi tình hình Thái Bình và góp ý cách xử lý giải quyết của tổ công tác cùng với Đảng bộ Thái Bình. Kết quả là tình hình Thái Bình đã nhanh chóng ổn định, nhân dân Thái Bình rất tin tưởng ở sự lãnh đạo, giải quyết đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Từ tình hình ở Thái Bình, đồng chí Đỗ Mười đã dày công góp phần chỉ đạo xây dựng và ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Nghị định số 29/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là ở xã, phường và khu dân cư. Chính nhờ những văn bản quan trọng này mà nhân dân cả nước rất phấn khởi, hưởng ứng thực hiện... Nghị định số 29/NĐ-CP đến nay đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên thành pháp lệnh về phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại trụ sở UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (năm 1996). Ảnh: TTXVN phát |
Đồng chí Đỗ Mười đã có công lao to lớn trong chỉ đạo xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện những văn bản mang tính pháp quy về phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.
Khi về làm công tác chuyên trách ở Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười với các cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Ngày vì người nghèo" do Mặt trận phát động. Tuy tuổi đã ngoài 90 nhưng đồng chí Đỗ Mười đã nhiều lần đến cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tự tay bỏ những phong bì tiền vào hòm quỹ ủng hộ người nghèo, dự họp góp ý với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân Đại hội VI của Mặt trận (năm 2004). Những ý kiến của đồng chí bao giờ cũng rất sâu sắc và có sức cổ vũ đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tôi biết đồng chí không chỉ quan tâm đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị, mà đồng chí còn luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Vài thập kỷ qua, đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, vi mô để cùng Đảng ta đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc theo Cương lĩnh chính trị năm 1991 của Đảng, tránh được sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa như Đông Âu, Liên Xô, mà đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, về ý thức tổ chức nghiêm minh và suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Mỗi lần đến thăm đồng chí Đỗ Mười ở nhà riêng, nhìn kỷ tấm hình Bác Hồ có dòng chữ Bác viết ở góc ảnh “Tặng chú Mười” tôi lại càng thêm cảm phục và quý trọng đồng chí.Tôi tự nghĩ là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ai cũng có những khuyết điểm nhất định, nhưng phải nói đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khá của Đảng ta đã thực sự suốt đời sống vì Đảng, vì dân. Đồng chí rất xứng đáng là lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.*(Tiêu đề bài viết do báo Kinh tế & Đô thị đặt)