Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyện vọng nhiều, ảo càng lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, mỗi thí sinh (TS) được cấp 4 giấy chứng nhận (GCN) kết quả thi để đăng ký xét tuyển 16 nguyện vọng vào 4 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).

Chủ trương này của Bộ GD&ĐT bị các chuyên gia giáo dục cảnh báo: Tỷ lệ TS ảo sẽ nhiều gấp 5 lần mùa tuyển sinh 2014.

Không biết làm gì với… ảo

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy của Bộ GD&ĐT, mỗi TS chỉ được phép sử dụng một GCN kết quả thi có mã vạch tương ứng với đợt xét tuyển có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi cấp, để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Thay đổi nhằm tạo điều kiện tối đa cho TS này lập tức bị nhiều trường ngoài công lập phản ứng. "Năm ngoái, mỗi TS được cấp 3 phiếu chứng nhận kết quả thi tương ứng với 3 nguyện vọng. Thế mà trường tôi có 500 TS đăng ký, cuối cùng chỉ 100 TS đến. Tôi đang lo đổi mới này của Bộ sẽ khiến ảo nhiều hơn" - PGS.TS Vũ Phán - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông phàn nàn. Đồng quan điểm, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cũng thừa nhận: "Ảo quá nhiều, chúng tôi không biết làm gì. Thôi thì để TS tự do lựa chọn, còn chúng tôi chịu khổ!". Thậm chí, có ý kiến cho rằng, khi một TS được đăng ký tới 4 ngành của một trường, nếu trượt ngành số 1, sẽ trúng tuyển một trong 3 ngành còn lại. Nếu như thế, các trường lâu nay gặp khó khăn trong tuyển sinh sẽ càng bế tắc về nguồn tuyển.
Học sinh khối 12 tại Hà Nội ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.                    Ảnh: Chiến Công
Học sinh khối 12 tại Hà Nội ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Ảnh: Chiến Công
Ngược lại, các trường top đầu rất thảnh thơi vì cho rằng, dù có 16 hay "n" nguyện vọng, TS vẫn ưu tiên đăng ký xét tuyển vào những trường có chất lượng. Nguyện vọng là mong muốn, cũng là quyền của TS, nhận hay không là do các trường. Cũng giống như một người tốt nghiệp ĐH có thể nộp hồ sơ xin việc ở cơ quan này, DN khác, nhưng cuối cùng sẽ chọn một nơi phù hợp nhất. "Nếu TS được đăng ký tới 4 nguyện vọng vào một trường, chắc chúng tôi sẽ vất vả để xử lý nhưng đó không phải là vấn đề. Cùng lắm mỗi em chỉ đăng ký 1 - 2 nguyện vọng thôi" - Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú chia sẻ.

Thí sinh bị hạn chế cơ hội

Đi ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, PGS Lê Hữu Lập - người phát ngôn của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông lại khẳng định, 16 nguyện vọng đang hạn chế cơ hội của TS. Theo phân tích của ông Lập, 4 GCN kết quả thi tương ứng với 4 đợt, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày cộng với thời gian nhà trường gọi TS đến nhập học là một tháng. Nếu TS bị trượt nguyện vọng 1 phải chờ một tháng để xét tuyển nguyện vọng 2 ở trường khác. Chẳng may TS ấy lại bị thiếu điểm, đồng nghĩa với phải chờ thêm một tháng nữa. Không những thế, cơ hội vào trường tốt không còn nhiều. Về phía các trường không tuyển được TS đợt 1 và 2 cũng phải mất vài ba tháng chờ TS, làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo của trường.

Để tạo thuận lợi tối đa cho TS cũng như nhà trường, PGS Lê Hữu Lập đề nghị, các em có GCN kết quả đợt 1 thực hiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo đúng quy định thời gian. Những em bị trượt nguyện vọng 1 được phép sử dụng luôn 3 GCN còn lại vào 3 trường thay vì phải tuân theo quy định mỗi đợt nộp một trường. Còn TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đề nghị Bộ nên có quy định thời gian xét tuyển cụ thể cho những trường top đầu, tiếp theo đó là trường top 2, rồi đến top 3 và 4 xét tuyển. Còn nếu Bộ cứ để "trăm hoa đua nở" chắc chắn sẽ dẫn đến rắc rối.

Làm thế nào để giảm tỷ lệ TS ảo đến mức thấp nhất cho các trường? Tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo của các trường ĐH, CĐ năm học 2013 - 2014, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra ý tưởng sử dụng phần mềm quản lý kết quả dữ liệu tuyển sinh của tất cả các trường. Những TS đã trúng tuyển vào trường số 1 theo thứ tự ưu tiên, phần mềm sẽ không cho phép đăng ký bổ sung vào 3 trường còn lại. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thông tin về dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại không đả động đến phần mềm này. Phải chăng Bộ sẽ để các trường tự “bơi” trong biển tỷ lệ ảo đầy nguy hiểm?