Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà giáo có nhiều sứ mệnh nhưng quyền và phúc lợi chưa tương xứng

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học gây khó khăn trong công tác dạy học ở nhiều địa phương. Việc khó tuyển dụng giáo viên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu xuất phát từ sự thiếu rõ ràng và nhất quán trong các quy định của pháp luật.

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Luật Giáo dục năm 2019 quy định:  “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh” (khoản 2 Điều 66), đây là quy định phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, là nét đẹp văn hoá cần gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vai trò của giảng viên với khá nhiều những điểm không phù hợp đã dẫn đến kết quả quy định trên chỉ dừng lại là một “khẩu hiệu”. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ sự thiếu rõ ràng và thiếu nhất quán trong các quy định của pháp luật."

Toàn cảnh buổi Tọa đàm do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay: Xã hội đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền và phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng. Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (ví dụ, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), mức lương cơ sở còn thấp.

Hơn nữa, vấn đề cải cách chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27- NQ/CP, dự kiến sẽ áp dụng một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (cũng không có bảng lương riêng cho nhà giáo) đồng thời bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo, điều này chắc chắn dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng….

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Quang Phong, Phó Gám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: Toàn tỉnh Bình Dương đang thiếu giáo viên trầm trọng. Mỗi năm tỉnh này tăng thêm khoảng 20.000 học sinh, trong khi đó, việc tuyển giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với chương trình mới.

Nhiều năm nay, ngành Giáo dục gặp khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non do không có nguồn tuyển dụng, giáo viên nghỉ việc nhiều. Mặc dù tỉnh Bình Dương đã có chế độ, chính sách hỗ trợ hàng tháng cho giáo viên mầm non tuyển dụng mới nhưng cũng không thu hút được người dự tuyển, không thể tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm…

Cũng theo ông Nguyễn Quang Phong, để các chế độ, chính sách được đầy đủ hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Sở đang phối hợp Sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.