Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà mạng chưa thống nhất việc chuyển mạng giữ số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuyển mạng giữ số sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng sim rác, giúp cơ quan chức năng quản lý và tiết kiệm tài nguyên số...

Lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, hiện các doanh nghiệp chưa thống nhất việc thực hiện chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, Cục vẫn gửi đề án để Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt trong năm nay.

 
Nhà mạng chưa thống nhất việc chuyển mạng giữ số - Ảnh 1

Chuyển mạng giữ số sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Hà

 
Đề án chuyển mạng di động giữ nguyên số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập đến từ cuối năm 2006, và bắt đầu tiến hành xây dựng từ năm 2011. Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay Cục "đã có những báo cáo sơ bộ và cũng đã tham vấn các doanh nghiệp".

Ông Hải cho biết, hiện các doanh nghiệp chưa thống nhất ý kiến, có bên nói chưa nên thực hiện chuyển mạng giữ số, có bên lại nói nên thực hiện sớm.Tuy nhiên, Cục vẫn đang hoàn tất đề án trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến ban hành trong năm 2012. "Thời gian dự kiến triển khai chưa có quyết định rõ ràng, nhưng cá nhân tôi cho rằng có thể thực hiện vào năm 2015", ông Hải chia sẻ.

Trao đổi với báo giới về đề án chuyển mạng giữ số của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc công ty Viettel Telecom nói: "Viettel đã nhận được tham vấn từ cơ quan quản lý, đồng thời cũng ủng hộ đề án này. Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị ban đầu". Ông Dũng cho biết, quá trình chuẩn bị và những đầu tư cần thiết còn phải đợi kết luận cuối cùng từ Bộ.

Một nhà mạng khác là Gmobile cũng khẳng định sẽ "theo quy hoạch phát triển ngành của quốc gia nên không thể gọi đây là ủng hộ hay không". Với vị trí là một nhà mạng nhỏ, Gmobile cũng đã có những đề xuất với Cục Viễn thông về vấn đề đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị tham gia thị trường, đảm bảo phát triển bền vững và lợi ích cho người dùng.

Đại diện của Gmobile cho biết, dự kiến các nhà mạng lớn sẽ thử nghiệm chuyển mạng giữ số vào cuối năm 2013, chính thức triển khai vào tháng 10/2014, còn các nhà mạng nhỏ sẽ áp dụng sau, khoảng đến năm 2017. Thời gian này được đánh giá hợp lý và đủ để nhà mạng chuẩn bị mọi mặt để áp dụng mô hình trên.

Hai "ông lớn" viễn thông khác là Mobifone và Vinaphone vẫn chưa có phản hồi nào về ý kiến của mình.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị quốc tế Mobile Vietnam 2012, ông Thomas Kershaw, Phó chủ tịch cao cấp của Telcordia (một bộ phận của Tập đoàn Ericsson) nhận định: "Triển khai chuyển mạng giữ số không phải là bất khả thi. Vấn đề nằm ở thời gian và cách triển khai thế nào cho hiệu quả".

Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng, chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Thụy Điển... Cũng theo ông Thomas, thời điểm này rất phù hợp để Việt Nam triển khai hệ thống bởi đã có những bài học rút ra từ các nước đi trước.

Ông Kershaw cho rằng việc triển khai, quy hoạch phù hợp là vấn đề quan trọng và cần vài năm để xây dựng mới cho kết quả tốt nhất. "Điều mấu chốt là cần có bên thứ 3 trung lập quản lý để thúc đẩy và điều phối các nhà khai thác", ông nhấn mạnh. Một yếu tố khác là sự đơn giản hóa bởi khách hàng càng dễ hiểu dịch vụ thì số lượng sử dụng càng cao.

Tại Việt Nam, các hãng viễn thông từng áp dụng hình thức đơn giản hơn để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Chẳng hạn, tại thời điểm mới tham gia thị trường, Viettel cho phép thuê bao đầu 091 (VinaPhone) và 090 (MobiFone) được chuyển sang mạng 098 mà vẫn giữ nguyên được dải 7 số cuối. Nghĩa là, khách hàng chỉ việc thay đổi mỗi đầu số 091 sang 098 hoặc từ 090 sang 098... Sau Viettel, S-Fone là hãng viễn thông thứ 2 áp dụng chính sách này để thu hút thuê bao.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển mạng giữ số sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng sim rác, giúp cơ quan chức năng quản lý và tiết kiệm tài nguyên số. Chính sách cũng được kỳ vọng "hâm nóng" lại thị trường viễn thông, tăng sức cạnh tranh khi lĩnh vực này đang dần bão hòa.