Nhà nước không định giá mà chỉ quản lý giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm của Chính phủ trong điều hành giá năm 2014 là tiếp tục tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau: thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

 Tiến tới chấm dứt bù chéo qua giá

Người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp nhấn mạnh rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

"Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng", Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta đã tiến một bước dài khi thực hiện chính sách giá theo cơ chế thị trường, nhưng thời gian tới tiếp tục phải thực hiện công khai minh bạch giá, đồng thời kiên định hơn trong thực hiện lộ trình giá một số hàng hóa thiết yếu theo cơ chế giá thị trường.

Thủ tướng khẳng định, trong năm 2014 sẽ tính đúng, tính đủ, không bù lỗ với giá điện; giá dịch vụ y tế- giáo dục đảm bảo theo lộ trình giá thị trường; giá sữa và thuốc chữa bệnh, Nhà nước không định giá mà chỉ quản lý giá... Cùng với đó, theo Thủ tướng Chính phủ, sẽ có các chính sách hỗ trợ người nghèo, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. Riêng về giá điện, Chính phủ sẽ hỗ trợ khoảng từ 1.000- 2.000 tỷ đồng trực tiếp cho các đối tượng trên, chứ không thông qua ngành điện.

Chia sẻ với báo chí trong buổi gặp cuối năm nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, trong năm 2014 sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt theo giá thị trường đối với một số hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu vẫn đang thực hiện bù chéo qua giá, gây méo mó nền kinh tế.
Nhà nước không định giá mà chỉ quản lý giá - Ảnh 1
Trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV1 gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định sẽ tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong điều hành giá xăng dầu, đó là công bố diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước.

Cơ chế thị trường không có nghĩa là tăng giá

Tại hội thảo về diễn biến thị trường giá cả năm 2014 do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức vào tháng 12-2013, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành giá một số mặt hàng của nhà nước như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và linh hoạt phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường, tác động xấu tới đời sống người dân cũng như chỉ số giá tiêu dùng của năm.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng giá theo cơ chế thị trường mà không đi đôi với tạo dựng cơ chế để bảo đảm cạnh tranh thì sẽ rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây tổn hại cho cả nền kinh tế,mà còn kìm hãm sự phát triển của chính ngành sản xuất và dịch vụ đó. Đây cũng chính là vấn đề mà Thủ tướng nhắc đến trong Thông điệp đầu năm và cho rằng hai vấn đề trên có liên quan chặt chẽ với nhau.

Theo chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội về giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, tăng trưởng GDP đạt 5,8%, cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế... theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn lại diễn biến thị trường giá cả 2013 để rút ra bài học cho năm 2015. Ông cho rằng, năm 2013 giá cả tiếp tục ổn định vượt ngoài sự mong đợi. Đây là kết quả của sự tiếp tục tăng chậm lại rõ rệt của tổng cầu. Bao gồm cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư, tổng cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường là cần thiết nhưng chuyển sang cơ chế thị trường với các mặt hàng độc quyền không có nghĩa là tăng giá sản phẩm dịch vụ. Nhà nước cần áp dụng các biện pháp kiểm soát độc quyền, độc quyền nhóm, như cấp phép kinh doanh để tăng sức ép cạnh tranh, chia tách doanh nghiệp độc quyền. Bởi cũng như mọi năm, diễn biến giá cả năm 2014 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành các mặt hàng như xăng dầu, điện, than... của Nhà nước.

Về phía cơ quan quản lý giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời sẽ công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.

"Những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu... cần tiếp tục điều hành linh hoạt tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, có sự quản lý của Nhà nước, nhưng tính thị trường sẽ cao hơn. Trong năm 2014, việc điều hành các hàng hóa thiết yếu này phải mạnh hơn, quyết liệt hơn theo cơ chế thị trường, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát với tinh thần kiên định", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định như vậy tại buổi tổng kết cuối năm 2013 của Cục Quản lý giá.