Như nhiều ý kiến nhận định, dù các cơ chế kiểm soát quyền lực đã được chú trọng hơn, nhưng tham nhũng quyền lực, thoái hóa, biến chất vẫn thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… tức là vẫn chưa giảm hẳn được. Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, việc ngăn chặn, cảnh báo liên tục để không lọt vào cấp ủy những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, “chạy chức chạy quyền” là luôn cần thiết. Cùng với Quy định 205 đã được ban hành, việc hướng dẫn, quán triệt cụ thể các nội dung chắc chắn sẽ tạo thêm những bước đột phá ngăn ngừa các nguy cơ “tha hóa” quyền lực đang hiện hữu.
Trở lại Quy định 205, các cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các hành vi chạy chức, chạy quyền của cả người chạy và người được chạy, kể cả hành vi tập thể và cá nhân đã được nhận diện rõ. Quan trọng nhất, quy định đã thể hiện được tính thời điểm, góp phần ngăn chặn ngay những người có ý đồ không tốt phải từ bỏ ý định. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ từ thể chế đến thực thi các quy định của Đảng, các chính sách pháp luật, áp dụng những hình thức xử lý mạnh mẽ; chú trọng việc nhắc nhở, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, bởi bản thân họ phẩm chất không tốt thì kiểm soát thế nào họ cũng có cách để lạm quyền.
Thực tế, nhìn lại thời gian qua cũng có thể thấy, dù T.Ư đã có rất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến công tác bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, nhưng tình trạng lạm quyền, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn không dễ được ngăn chặn. Từ chỗ việc chạy chức, chạy quyền thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng, đã biến tướng, diễn ra phổ biến hơn, xuyên đến tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm... hết sức tinh vi, bài bản, không dễ phát hiện. Dù nhiều cá nhân, thậm chí cán bộ cấp cao đã bị pháp luật xử lý, nhưng sự cám dỗ của quyền lực vẫn rất khó từ bỏ.
Cùng với các quy định khác liên quan đến công tác cán bộ đã được ban hành, có thể nói, những hướng dẫn chi tiết này cũng chính là “cẩm nang” cần thiết cho các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm. Bảo đảm sự chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và đề cao trí tuệ, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Như vậy có thể thấy, quá trình xây “lồng cơ chế” để “nhốt quyền lực” đang được thể hiện rõ trên thực tế, vấn đề hiện nay là đã định rõ rồi, phải làm tốt cơ chế vận hành, phòng ngừa được các biểu hiện tiêu cực.