Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện thủ đoạn, mánh khóe của tín dụng đen

Đông Phong - Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gom “hụi” là một hình thức tín dụng tiết kiệm thịnh hành tại nhiều vùng quê. Nhiều người tin tưởng, gom tiền gửi chủ “hụi” cũng là cách tiết kiệm lúc trái nắng, trở giời, hay xây sửa nhà cửa, dựng vợ gả chồng cho con… Nhưng đã có không ít vụ chủ “hụi” tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn, đó cũng là lúc nhiều người chính thức trắng tay.

 Ảnh minh họa.
Hụi vỡ dây chuyền

Từ nhiều năm qua, người dân thôn Châu Mai (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) thường tiết kiệm những khoản tiền lớn bằng hình thức “đi phường” (hình thức giống như gom hụi, họ tại một số địa phương khác). Hàng tháng, mỗi “dây phường” khoảng 20 người tham gia đóng một khoản tiền nhất định theo thỏa thuận. Họ cũng quy ước, người lấy tiền trước phải trả một khoản lãi cho những người sau. Thường thì với “dây phường” 200 triệu đồng, người lấy sau (khoảng 18 tháng có thể sinh lãi lên đến gần 40 triệu đồng). Số lãi trên không nhỏ nên ở thôn Châu Mai “người người, nhà nhà đi phường”.
Những dây phường nhỏ, (góp 2 triệu đồng/tháng), mức lãi là 200.000 đồng/tháng. Với những người tham gia từ 5 - 7 dây (mức 2 triệu đồng/dây) mỗi tháng thu lời khoảng 1,4 triệu đồng – đây là mức lãi suất hấp dẫn. Đối với những “bát họ” nóng, chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng, chủ “họ” cắt ngay 2 triệu đồng, sau đấy người cầm “họ” phải trả góp số tiền còn lại trong 3 tháng tiếp theo.

Nếu ít tiền, họ chơi những dây nhỏ, sau khi thu về lại gom hội lớn hơn. Thậm chí họ thế chấp, chạy vạy vay mượn để “đi phường” sinh lời. Cứ như vậy, Châu Mai và những thôn lân cận quay cuồng trong những “dây phường”. Hàng chục, trăm “dây phường” đã hình thành và số tiền người dân huy động để “đi phường” lên đến vài chục tỷ đồng.

Những ngày cuối cùng của năm 2017, khi việc “đi phường” là phương pháp tất yếu đối với nhiều người trong thôn, cũng là lúc niềm tin của họ vỡ vụn. Cả trăm người dân rụng rời chân tay khi nghe hung tin, chủ phường mất khả năng chi trả. Tài sản hàng chục năm trời tích góp giờ bỗng chốc mất trắng. Đau xót hơn, những người dân thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, vay mượn tứ phương hòng “đi phường” kiếm lãi. Giờ sống không bằng chết, cái làng quê vốn dĩ yên bình bỗng đột ngột náo động. Rất nhiều người kéo đến nhà chủ “dây phường” chất vấn và thất thần khi nghe chính thức chủ phường tuyên bố vỡ nợ. Xót của, tài sản trong nhà “chủ phường” được người dân tranh nhau lấy trừ nợ. Bi hài phát sinh, những tài sản bình thường của chủ nợ bỗng chốc trở nên giá trị một cách phi lý.

“Bộ bàn ghế trị giá gần 20 triệu đồng, người dân chấp nhận trừ nợ 120 triệu đồng. Tủ lạnh, ti vi cũ trị giá vài triệu đồng, người dân đồng ý lấy về để trừ hàng chục triệu. Ngôi nhà 3 tầng khuất nẻo trong xó làng được định giá lên đến 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ phường không cho người dân trừ nợ mà tuyên bố để bán. Chủ phường ma mãnh, rao bán với số tiền gấp đôi giá trị trên thị trường, lấy đâu ra người mua bằng tiền mặt…” – một người dân trong thôn Châu Mai buồn bã thông tin khi được gợi lại chuyện cũ.

Gần 8 tỷ đồng vỡ “hụi” là con số của 88 người dân thông báo với chính quyền. Nhưng cũng theo người dân, số tiền thực mà các gia đình thôn Châu Mai mất do vỡ “hụi” lớn hơn thế rất nhiều. Hoặc giả họ không báo chính quyền do trước đó tin tưởng cho vay tiền không giấy tờ và cũng có lẽ họ đã xác định tiền đã mất, không muốn dân làng tiếp tục đàm tiếu sự dại dột của mình.

Niềm tin như bong bóng

Hỏi thăm tại thôn Châu Mai, người dân nhiệt tình chỉ đến những gia đình mất mát lớn trong lốc xoáy “đi phường”. Tuy nhiên, họ tiếp cận chúng tôi với thái độ dè dặt. Đề cập đến vấn đề “đi phường”, họ lập tức thay đổi thái độ và chối đây đẩy việc đã mất trắng tiền tỷ. Có lẽ, gợi lại quá khứ buồn cũng là điều thiếu tế nhị.

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Chia (71 tuổi, trú tại xóm 6, thôn Châu Mai) khi bà đang chăm đàn gà mới nở. Đề cập đến vấn đề “đi phường”, như chạm đúng mạch chuyện, bà Chia rành rọt: Cũng như người dân nơi đây, từ rất lâu bà gom góp tiền “đi phường”. Nhiều năm quay vòng tích góp, bà đã có lưng vốn là 37 triệu đồng. Bà đang theo 2 “dây” với toan tính đến lượt sẽ lĩnh 42 triệu đồng.

Để khẳng định trình bày, bà lập bập lục tủ cho chúng tôi xem căn cứ “đi phường” của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là quyển sổ nhỏ với chữ viết tay ngoằn nghèo mà bà Chia tự ghi lại số tiền và ngày tháng đã đóng góp. Giờ đây trắng tay. Bà Chia cho biết, người lâu nay bà “đặt niềm tin” là chủ hụi Quách Thị Phượng (SN 1981, trú cùng thôn) là chủ các “dây phường”. Bà Chia còn… ngây thơ đến mức ngay cả khi bị khất lần (đến lượt mình lĩnh một “dây phường”) bà vẫn chưa mảy may nghi ngờ về khả năng tài chính của Phượng…

Cách đây chưa lâu, cũng chỉ vì mờ mắt vì lợi nhuận thu được từ việc cho vay lãi suất cao, nhiều người dân xã Đại Đồng, Thạch Thất đã… chạy đua với tín dụng đen. Nhiều người không ngần ngại thế chấp mảnh đất ông cha để lại cho các ngân hàng để lấy tiền “đầu tư” hụi họ… Với chị H.T.H (xóm Đông Ải) ban đầu có một ít vốn nhỏ. Nhiều người đến hỏi vay với lãi suất rất cao, chị đồng ý với mức 3.000 đồng/triệu/ngày. Hàng tháng, chị đều đặn nhận được tiền lãi từ người vay. Một số người sau này tiếp tục tìm đến chị hỏi vay. Hết tiền, nhưng thấy lãi suất quá hấp dẫn, chị đã bàn với chồng thế chấp ngôi nhà bố mẹ chồng để lại để vay ngân hàng 600 triệu đồng rồi đem cho vay…

Ở Đại Đồng thời điểm đó, nhiều người giàu lên nhờ việc cho vay với lãi suất cao, nên càng ngày nhu cầu vay và cho vay trong xã càng tăng lên. Nhiều hộ gia đình không ngại mang sổ đỏ nhà ra thế chấp ngân hàng. Anh M.H (xóm Minh Nghĩa) đã thế chấp ngôi nhà đang ở, vay ngân hàng được 1 tỷ đồng. Anh đã cho nhiều người vay với mức 3.000 đồng/triệu/ngày. Anh cũng biết những người này sẽ mang số tiền đó cho người khác vay với lãi suất cao hơn.

Thấy người cháu họ làm ăn tốt, ông N.V.H, 56 tuổi (xóm Tây) cũng cho mượn sổ đỏ nhà và viết giấy ủy quyền thế chấp ngôi nhà đang ở vay ngân hàng 500 triệu đồng cho cháu vay lại. Khi cô cháu họ tham gia chơi 12 dây hụi vỡ nợ, bỏ chạy, giờ ông phải gánh cả khoản nợ đó. “Người dân ở đây khi có tiền thì đem cho vay, còn lúc thiếu thì người nọ người kia vay mượn lẫn nhau, đến khi vỡ nợ thì nhà nào cũng dính vào” - ông H nói.

Từ tháng 8/2018, nhiều người dân ở xã Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã rơi vào cảnh tan cửa nát nhà vì hụi họ. 120 tỷ đồng đã được nhiều người gom góp cho bà Hoàng Thị Khanh vay. Khi bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, chắc chắn nhiều người sẽ không chốn nương thân, nợ nần ngập đầu vì đã dốc hết tài sản, cầm cố nhà cửa ở ngân hàng để có tiền đầu tư vào dây hụi của bà Khanh. Với mức lãi suất lên đến 20, thậm chí 30%, thì việc bà Khanh có thể huy động được 120 tỷ đồng ở vùng quê nghèo này không có gì là lạ. Hiện tại, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành các bước điều tra nhằm làm rõ vụ việc. Với những người dân đã tham gia dây hụi của bà Khanh, “vạ” chưa được nhưng “má” đã sưng!q

(Còn nữa)