Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân lên những “hạt giống đỏ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TP đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia tuyên truyền đường lối chính sách của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Do đó, việc chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho những người có uy tín hoạt động chính là nhân lên những “hạt giống đỏ” trong đồng bào DTTS.

Gương mẫu đi đầu

Minh Quang là một xã miền núi ở phía Tây của huyện Ba Vì có 33,5% dân số là đồng bào DTTS, trong đó có 3 thôn được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Năm 2015, xã có 4 công trình xây dựng theo Kế hoạch 166 của TP và vốn lồng ghép khác nhưng đáng mừng là cả 4 công trình đều không phải đền bù GPMB. Diện tích đất dành cho các công trình đều từ vận động Nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến hơn 9.100m2. Ông Nguyễn Xuân Hương - người có uy tín ở thôn Liên Bu, xã Minh Quang tâm sự, trong quá trình tổ chức thực hiện đã đảm bảo dân chủ, công khai. Người có uy tín tham gia trực tiếp cùng cơ sở thôn nắm bắt tình hình, vận động để Nhân dân đồng thuận cao.
Bà Triệu Thị Thanh - một người có uy tín ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì.	 Ảnh: Quang Thiện
Bà Triệu Thị Thanh - một người có uy tín ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Hay như tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, dù là địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống, song việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn xã có 9/12 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Nói về cách vận động của mình, ông Đinh Hữu Như - người có uy tín ở xã An Phú chia sẻ, trước hết phải đề cao tinh thần trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác dân tộc. Bản thân và gia đình người có uy tín phải gương mẫu trong việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo số liệu của Ban Dân tộc Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 14 xã vùng đồng bào DTTS với 152 thôn, trong đó có 145 người có uy tín được UBND TP phê duyệt, chủ yếu thuộc dân tộc Mường (chiếm hơn 76%). Đội ngũ người có uy tín tại các thôn, bản ngày càng thể hiện sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Nhiều cá nhân đã phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân GPMB làm đường giao thông nông thôn… Hàng năm, 100% gia đình người có uy tín đều đạt gia đình văn hóa.

Tạo cơ hội hoạt động

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thường xuyên cung cấp thông tin cho người có uy tín thông qua các hình thức như hội nghị, hội họp, phổ biến chủ trương, nói chuyện thời sự. Cùng với đó là các chính sách thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết. Trong năm 2015, Ban Dân tộc TP cũng tổ chức cho 45 người có uy tín tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm về thực hiện chính sách dân tộc tại Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai chính sách đối với người có uy tín ở một số địa phương còn chậm, nhất là tham mưu hướng dẫn bình xét, lập danh sách người có uy tín đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính vì vậy, để làm tốt hơn công tác dân tộc, việc quan tâm, chăm lo tới đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS có vai trò rất quan trọng. Trong một buổi nói chuyện mới đây với đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào DTTS của Hà Nội, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Minh Thắng đề nghị thời gian tới, Ban Dân tộc TP và các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín hoạt động trong đời sống xã hội, ở xóm làng. Đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời những người có uy tín có thành tích tốt. Cùng với đó tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với người có uy tín nói riêng.