Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng vùng nông nghiệp hữu cơ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông nghiệp hữu cơ được xem là xu hướng canh tác thuận tự nhiên, mang lại nhiều giá trị về kinh tế cũng như an toàn cho sức khỏe của người dân.

Chính vì vậy, Hà Nội đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nhân rộng những vùng nông nghiệp hữu cơ.

Đa lợi ích

Con đường dốc thoai thoải đưa chúng tôi đến với ngọn đồi thôn Dục (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất). Nơi đây có trang trại Hoa Viên, chuyên canh rau hữu cơ, với quy mô lên tới hơn 60ha. Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên cho biết, ngay từ những ngày đầu gây dựng, chị đã áp dụng phương thức canh tác nông nghiệp “5 không”: Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không cây trồng chuyển gen.

Trang trại Hoa Viên hiện đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Trọng Tùng
Trang trại Hoa Viên hiện đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Trọng Tùng

Nhờ quy trình canh tác an toàn, sản phẩm rau từ trang trại Hoa Viên đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) Certificate No: 91038 Certified Organic by CERES và chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM Norms for Organic Production.

Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên đã được cấp nhãn hiệu “Rau sạch Đại Ngàn”. Nhờ có chất lượng tốt, sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực. Rau sạch Đại Ngàn gần như không phải lo đầu ra, giúp mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tại huyện Thanh Oai, mô hình canh tác lúa hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Dương cũng đang phát huy hiệu quả tích cực. Quy trình trồng trọt theo hướng hữu cơ được Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Dương thực hiện nghiêm túc. Trong đó, bảo đảm tiêu chí “5 không”, giống như trang trại Hoa Viên đang áp dụng.

Hiện, 10ha lúa hữu cơ của hợp tác xã cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. Nhờ đó, giá bán cao hơn nhiều so với lúa canh tác truyền thống. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, sản lượng thóc lúa hữu cơ sau thu hoạch đã được một số DN ký kết hợp đồng thu mua tại ruộng; bà con xã viên yên tâm sản xuất.

Hiệu quả từ canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ là điều có thể nhìn nhận rõ thông qua hai mô hình được đề cập ở trên. Phương thức canh tác thuận tự nhiên không chỉ có ý nghĩa lớn trên khía cạnh kinh tế mà còn rất thân thiện với môi trường, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho sức khỏe cho người dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng thông qua tiếp cận nông sản sạch.

Không dễ nhân rộng

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn TP hiện vào khoảng 270ha. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang ngày một đa dạng hơn; nếu như trước đây, chủ yếu là lúa, rau, thì nay đã có thêm trái cây (chuối, cam, nhãn, bưởi, vải, dưa lê), cây dược liệu và hoa.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, những mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ có quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn còn ít. Hầu hết các mô hình mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác hữu cơ còn những hạn chế nhất định…

Việc nhân rộng những vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ cũng được đánh giá là không dễ dàng. Giám đốc Hợp tác rau hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu, một trong những đơn vị tiên phong canh tác nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, dù việc tiêu thụ khá thuận lợi nhưng sản xuất rau hữu cơ nhìn chung còn nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là chi phí đầu tư cao. Ngay tại Hợp tác rau hữu cơ Thanh Xuân, có thời điểm phải... bù lỗ.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã giúp việc tiêu thụ nông sản hữu cơ trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy tại một số hợp tác xã, nông trại, việc tiêu thụ vẫn là bài toán nan giải. Sở dĩ vậy là bởi giá nông sản hữu cơ thường cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2023, ngành nông nghiệp dự kiến đánh giá chứng nhận khoảng 150ha diện tích canh tác hữu cơ. Cụ thể hóa mục tiêu trên, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang phối hợp cùng các địa phương tập trung rà soát, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm tiêu chuẩn, quy định về canh tác nông nghiệp hữu cơ.