Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận thức mới, đối sách mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít ngày sau khi công bố Chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền của tổng thống Joe Biden ở Mỹ công bố Chiến lược quốc phòng cùng với báo cáo mới về chiến lược vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Quốc hội Mỹ quy định chính quyền đương nhiệm phải làm việc ấy và do vậy cứ 4 năm một lần Mỹ lại cho ra  đời chiến lược quốc phòng mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp báo sau khi công bố Chiến lược Quốc phòng quốc gia  hôm 27/10. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp báo sau khi công bố Chiến lược Quốc phòng quốc gia  hôm 27/10. Ảnh: Getty

Giống như đối với Chiến lược an ninh quốc gia trước đấy, Chiến lược quốc phòng của ông Biden và cộng sự phải lùi thời điểm công bố bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Những nhận thức mới của Mỹ về thời cuộc và đối thủ, về thách thức và đe dọa an ninh thực tại cũng như tiềm tàng đối với nước Mỹ được phản ánh trong các đánh giá và định hướng đối sách thể hiện trong cả hai văn bản chiến lược nói trên.

Chiến lược quốc phòng năm 2018 ở thời Tổng thống Mỹ Donald Trump loại biến đổi khí hậu trái đất ra khỏi danh mục những mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ. Trong chiến lược quốc phòng vừa mới được Mỹ công bố, mối đe doạ an ninh từ biến đổi khí hậu trái đất lại được đề cập đến và coi trọng. Bốn mối đe doạ an ninh chính khác được xác định trong chiến lược quốc phòng này là Trung Quốc và Nga, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran, nguy cơ chiến tranh mạng và nguy cơ chiến tranh trong không gian vũ trụ nhằm vào Mỹ.

Có hai điều ở đây được bên ngoài chú ý đến nhiều nhất bởi phản ánh sự khác biệt cơ bản nhất so với chiến lược quốc phòng năm 2018 và vì thế tác động rất mạnh mẽ tới diễn biến đối nội ở Mỹ và hoạt động đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới.

Thứ nhất là đánh giá về mức độ Nga và Trung Quốc có thể đe dọa an ninh của Mỹ. Giống như trong Chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố mới đây, Chiến lược quốc phòng này nhìn nhận Trung Quốc nguy hiểm hơn, khó đối phó hơn và khó thắng hơn Nga đối với Mỹ. Vì thế, đối tượng đối phó hàng đầu và trước hết của Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là Trung Quốc, sau đó mới đến Nga.

Trong Chiến lược này, ông Biden và cộng sự cho rằng Nga là mối đe dọa trực tiếp hiện tại nhưng không lâu dài, và Mỹ hoàn toàn có đủ năng lực ứng phó, còn Trung Quốc mới là mối đe dọa an ninh tiềm tàng, lâu dài và Mỹ phải cạnh tranh chiến lược quyết liệt thì mới có thể ứng phó thành công. Sự khác biệt cơ bản còn ở chỗ Mỹ nhìn nhận Nga chỉ là mối đe dọa an ninh về quân sự và về vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ hiện nếu không hơn Nga thì cũng không kém Nga trên cả hai phương diện ấy.

Ông Biden và cộng sự tự tin đến mức không tiếp tục một số dự án phát triển vũ khí hạt nhân mới và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân đang có để tăng cường tiềm lực hạt nhân đủ mức răn đe Nga và Trung Quốc như đã được đề xướng trong Chiến lược quốc phòng năm 2018 và đã được triển khai thực hiện ở thời ông Trump cầm quyền. Trong khi ấy, Mỹ nhìn nhận Trung Quốc đáng gờm hơn về tiềm lực kinh tế, tài chính và công nghệ.

Thứ hai là Chiến lược quốc phòng mới này lần đầu tiên xác nhận rằng Nga và Trung Quốc có thể đe dọa trực tiếp an ninh nội địa Mỹ thông qua chiến tranh mạng và chiến tranh trong không gian vũ trụ cũng như thông qua việc họ tăng cường liên minh, liên kết với nhau cùng thách thức và đe dọa an ninh và lợi ích của Mỹ.  Như thế có nghĩa là Mỹ xác định bản chất mới và phạm vi mới cho cuộc đối địch với Nga và Trung Quốc.

Giải pháp cho vấn đề này được Chiến lược quốc phòng mới đưa ra là tăng cường nội lực và "răn đe liên kết", tức là răn đe các đối thủ và địch thủ của Mỹ, trước hết là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, bằng sức mạnh, thế mạnh và tiềm lực tổng hợp của Mỹ chứ không chỉ bằng sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân. Từ đó có thể thấy đối sách chính của Mỹ là làm cho Nga suy yếu toàn diện ở châu Âu nhân cuộc chiến hiện tại ở Ukraine cạnh tranh chiến lược toàn diện và không khoan nhượng với Trung Quốc, gia tăng mức độ răn đe Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, Triều Tiên và Iran trong vấn đề chương trình hạt nhân của hai nước này. Mỹ điều chỉnh cơ bản Chiến lược về vũ khí hạt nhân ở chỗ tuyên bố sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân để bảo đảm an ninh cho đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ chứ không còn chỉ hạn chế ở việc đáp trả hạt nhân khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Việc thực hiện cụ thể Chiến lược quốc phòng này không đơn giản và dễ thành công đối với Mỹ. Cách tiếp cận của Mỹ thức thời hơn trước. Rồi đây, nó sẽ tác động rất mạnh mẽ, thậm chí có thể cả chi phối chính sách và hoạt động đối ngoại của Mỹ.