Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhập khẩu thịt: Siết hàng rào kỹ thuật

Thắng Văn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự cố “thịt bẩn” từ Brazil, cả người tiêu dùng (NTD) lẫn người sản xuất trong nước đều hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đang đề nghị rà soát hàng rào kỹ thuật đảm bảo kiểm soát tốt các sản phẩm thịt nhập khẩu (NK).
Nhiều người chăn nuôi trong nước lo ngại NK thịt làm cho sản phẩm chăn nuôi bị cạnh tranh, giá giảm mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trước hết phải khẳng định rằng sản lượng thịt NK chỉ chiếm khoảng 7 – 8% lượng thịt tiêu dùng trong nước nên không có tác động mạnh về thị trường. Đơn cử, năm 2016, Việt Nam NK gần 10.500 tấn thịt lợn, trong đó chủ yếu từ Ba Lan (22%), Tây Ban Nha (16,2%), Đức (13,1%), Mỹ (10,1%) và Brazil (9,7%). Con số này so với tổng sản lượng thịt của Việt Nam là không đáng kể.
Với thịt lợn, Việt Nam đã sản xuất được một lượng thịt tương đối lớn, chất lượng đảm bảo với giá cả cạnh tranh được. Về thịt gà, năm 2016 NK hơn 121.000 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc. So với tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước, con số này chỉ chiếm khoảng 8% và cũng chưa đủ tỷ lệ điều tiết giá thị trường, vì theo quy định của quốc tế, sản phẩm NK của một nước chiếm 25% lượng tiêu dùng của nước NK mới có tác động điều tiết thị trường.
Nhưng nhiều sản phẩm thịt NK có giá rẻ hơn thịt sản xuất trong nước gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho NTD?
- Hầu hết các sản phẩm thịt nhập về đều xấp xỉ hoặc thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cụ thể, thịt bò khoảng 200.000 – 350.000 đồng/kg, thịt gà 25.000 đồng/kg, thịt lợn 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất của các nước thường thấp hơn. Tuy số lượng thịt NK không lớn nhưng do giá nhập như vậy nên cũng có tác động đến tâm lý so sánh của NTD và các nhà thương mại của Việt Nam. Trong một số trường hợp cũng làm cho thương mại trong nước bị chao đảo, tác động xấu đến sản xuất, làm cho người chăn nuôi không biết tính toán như thế nào. Về mặt tích cực, việc NK cũng tác động giúp người sản xuất trong nước tìm biện pháp hạ giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh.
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thịt gà được rao bán là gà NK có giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Theo ông, có sản phẩm thịt gà NK nào có mức giá này không?
- Cục Chăn nuôi đã cử cán bộ đi kiểm tra ở các siêu thị nhưng không phát hiện sản phẩm thịt gà quá đát, hết đát. Hơn nữa, giá NK gà bình quân năm 2016 là 0,82 USD/kg, tương đương 20.000 đồng/kg, chưa tính phụ phí khác như vận chuyển, kho tàu, bến bãi, thuế… Do đó phải khẳng định không có sản phẩm thịt gà NK có giá mấy ngàn đồng/kg như thông tin vừa qua. Cần phải nói thêm là thị hiếu tiêu dùng nước ngoài chủ yếu ăn thịt ức nên chỉ có phần ức giá cao, khoảng 80.000 – 90.000 đồng/kg, còn lại chân, cánh, đùi rẻ hơn chỉ khoảng 25.000 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cho rằng hàng rào kiểm soát thịt NK chưa đủ mạnh?
- Hiện nay, Việt Nam có trao đổi sản phẩm hàng hóa với các nước theo hiệp định thương mại đa phương và song phương nên việc xuất – nhập thịt là việc bình thường, không có chuyện quá dễ dãi hoặc quá khó khăn. Các sản phẩm này hầu hết được các cơ quan kiểm định, kiểm dịch, kiểm soát chất lượng đảm bảo rõ ràng.  Tuy nhiên, thời gian tới cũng cần phải rà soát lại hàng rào kỹ thuật, đảm bảo cho NTD yên tâm hơn và siết chặt công tác quản lý NK, lưu thông thực phẩm.
Các hàng rào khác như vi sinh vật, vi khuẩn, salmonella, độ tươi ngon, dẻo của Việt Nam hiện quy định cũng tương đối giống như các nước. Tuy nhiên, khó khăn là Việt Nam cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, song một số nước vẫn cho phép dùng chỉ tiêu ractopamine. Do đó, Cục Chăn nuôi đang đề nghị rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng đảm bảo quan hệ song phương và chất lượng sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!

Trong 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt lợn NK là hơn 1.600 tấn, bằng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; thịt già NK gần 15.000 tấn, giảm 30%.