Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản: Những dư chấn kinh tế sau động đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, 2 trận động đất tại phía nam Nhật Bản cuối tuần qua đã tạo nên những dư chấn đối với nền kinh tế của nước này.

Ít nhất 41 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người phải sơ tán, trận động đất tại thành phố Kumamoto đã khiến hoạt động sản xuất tại khu vực này bị ngưng trệ và làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào sự tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của Nhật Bản.

Ông Ryutaro Kono – nhà kinh tế trưởng của BNP Paribas ở Tokyo nhận định, trận động đất ở Kumamoto đã buộc các ngân hàng phải xem xét lại dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý II.
Các trận động đất tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản.
Các trận động đất tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản.
Việc các nhà sản xuất xe hơi lớn buộc phải tạm ngưng sản xuất trên toàn quốc bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng gây ra bởi trận động đất sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nước này. Dù triển vọng tăng trưởng sẽ gia tăng trong tháng 5 và 6 khi các hoạt động tái thiết vùng bị ảnh hưởng bởi trận động đất được tiến hành nhưng khả năng tăng trưởng âm trong quý II là gần như không thể tránh khỏi.
Kuamoto - nhà sản xuất các thiết bị bán dẫn lớn cũng như các nhà máy của Sony và Honda đã buộc phải ngừng hoạt động nhiều nhà máy trên khắp Nhật Bản do thiếu hụt các bộ phận được sản xuất tại Kumamoto.

Trận động đất và hàng trăm dư chấn cũng tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp du lịch của Kyushu. Trong khi xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước không tăng, Nhật Bản trông chờ nhiều vào hoạt động du lịch với lượng khách quốc tế tăng 47% và chi tiêu du lịch tăng 37% vào năm ngoái. Sau vụ động đất, các tour du lịch của nhiều đoàn khách Trung Quốc đã bị hủy bỏ, khiến các công ty lữ hành và nhiều hoạt động ăn theo du lịch bị thiệt hại nặng.

Với hai trận động đất xảy ra liên tiếp, nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản vốn dựa nhiều vào xuất khẩu, du lịch và các gói kích cầu một lần nữa phải đối mặt với những rủi ro mới và nhiều dư chấn sẽ tác động mạnh đến Abenomics - nhóm chính sách kích thích tăng trưởng của Thủ tướng Shinzo Abe.