Đằng sau đó là thông điệp về thiện chí và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ với các nước ở khu vực láng giềng xa. Đằng sau đó cũng còn có cả thông điệp không để mối bất hòa giữa Nhật Bản và Trung Quốc ảnh hưởng đến quan hệ của Nhật Bản với những nước ở khu vực Đông Nam Á đứng về phía Trung Quốc trong chuyện Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản và một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, nhưng đồng thời có sự hậu thuẫn của Nhật Bản cho những nước bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều coi trọng quan hệ với ASEAN. Sự khác biệt giữa hai nước chỉ ở chỗ Trung Quốc chủ ý phân hóa nội bộ ASEAN để trục lợi, trong khi Nhật Bản không hành xử vậy. Cả hai đều dùng vốn đầu tư, viện trợ tài chính và tiềm lực khoa học công nghệ để ràng buộc các nước ở khu vực Đông Nam Á vào lợi ích của quan hệ hợp tác song phương. Nhật Bản tận dụng ảnh hưởng trong Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì Trung Quốc chủ xướng thành lập và góp phần vốn lớn nhất cho Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Cho nên, nếu muốn tranh thủ các nước ở khu vực Đông Nam Á thì Nhật Bản không thể không cạnh tranh với Trung Quốc. Chuyến công du này của ông Kishida là bằng chứng cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận cuộc chơi với Trung Quốc và đang chơi cuộc chơi đó theo cách của mình.