Thế nhưng gần đây, lại xuất hiện những dây cáp treo mới trái phép gây mất an toàn, mỹ quan đô thị.
Treo cáp “trộm”
Theo Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) Nguyễn Tiến Sỹ, qua thực tế triển khai thực hiện giai đoạn 2, đồng thời kiểm tra một số tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Sở đã phát hiện một số DN kéo cáp mới trên các tuyến cột điện chiếu sáng, điện lực nhưng không được sự chấp thuận hay cấp phép của Sở TT&TT trên những tuyến phố đã thực hiện thanh thải, sắp xếp và bó gọn.
Bên cạnh đó là tình trạng "dọn mà không gọn" như phản ánh của đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Theo đó, trên cột bê tông tại nhiều tuyến đường của Công ty Điện lực vẫn còn tồn tại dây cáp thông tin thừa, cáp "chết" đeo bám chưa được thanh thải. Các tuyến phố sau khi thanh thải đường dây điện lực sau công tơ vào một số hộ gia đình vẫn còn trùng võng chưa đảm bảo yêu cầu, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Đại diện Công ty chiếu sáng và Thiết bị đô thị thẳng thắn chỉ rõ, ngay tại đầu phố Thái Thịnh, có hộp cáp của DN đặt ngay ở chân cột, dây dợ trùng võng và không có nhãn mác.
Khi kiểm tra việc thực hiện thanh thải đường dây cáp đi nổi tại các tuyến phố, Đoàn kiểm tra của Sở TT&TT Hà Nội cũng phát hiện tại các vị trí cột tiếp giáp giữa hệ thống ngầm và nổi còn tồn tại nhiều cáp thừa của các đơn vị sau khi đấu chuyển lên trên cột treo không được thu hồi. Cáp đi xuống và đi vào tủ hộp treo không đúng quy định và còn tồn tại một số cột điện chiếu sáng chưa được thu hồi trên tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, Ngọc Khánh.
Vẫn còn lãng phí
Kế hoạch dọn "rác trời" đã qua 2 đợt thí điểm thanh thải dây cáp, đợt 3 (từ ngày 29/9 - 20/12) cũng sắp kết thúc, song theo phản ánh của DN, các đợt thanh thải, sắp xếp dây cáp vừa qua gây thiệt hại, lãng phí không nhỏ cho họ. Ông Vũ Hoàng Sơn - Phó Giám đốc VNPT Hà Nội khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ chủ trương thanh thải đường dây cáp không còn sử dụng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm 2014, khi triển khai năm 2015 cần giảm thiểu tối đa thời gian mất liên lạc của khách hàng trong thời gian thanh thải "rác trời" và đặc biệt là giảm lãng phí". Theo đại diện VNPT, việc thanh thải thời gian qua đã gây lãng phí lớn, có tuyến phố sau khi thanh thải, DN thiệt hại 100 triệu đồng.
Đại diện Truyền hình Cáp Hà Nội cũng lo ngại, nếu thanh thải toàn bộ, kể cả dây cáp đang sử dụng như hiện nay thì DN thiệt đơn, thiệt kép. "Dây cáp đã cắt rồi không thể đấu nối lại mà phải thay thế mới. Kéo lại dây mới, DN cũng tốn kém thời gian, công sức và tiền của" - đại diện Truyền hình Cáp Hà Nội cho biết và kiến nghị, với những tuyến phố vừa được đầu tư, mới mở hoàn toàn thì không cần thanh thải dây toàn bộ để tránh lãng phí.
Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Sơn đề xuất, nên giãn tiến độ thực hiện thanh thải với thời gian đeo gông xà để các DN có thời gian chuẩn bị. Khoảng cách thực hiện hai công việc này trong vòng 7 ngày là phù hợp, thay vì quá ngắn như hiện nay(?). Chia sẻ kinh nghiệm của DN nhằm hạn chế tình trạng bị cơ quan quản lý "cắt nhầm" dây cáp, ông Vũ Hoàng Sơn cho biết: Các dây cáp phải được đeo nhãn mác đầy đủ. DN cần chủ động việc này chứ đừng để bị cắt rồi mới báo dây cáp còn đang sử dụng. Ngoài ra, 50% đường cáp rẽ cắt vào nhà dân hiện còn bừa bộn, mất mỹ quan, để bó gọn các đường dây cáp này nên gắn thêm gông xà, vòng khuyên vào đầu ngõ hoặc nhà dân để treo cáp cho gọn gàng như ngoài tuyến phố chính.
Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", vì thế đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, các kiến nghị của DN sẽ được Sở TT&TT, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tiếp thu và điều chỉnh góp phần làm đẹp Thủ đô và tránh lãng phí cho DN.
Công nhân Truyền hình Cáp Việt Nam sắp xếp, bó gọn dây cáp trên phố Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Quỳnh Anh
|