Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều cán bộ xã phải kiêm nhiệm quản lý đê nhân dân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Đức Thịnh cho biết như trên khi đề cập tới thực trạng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đê điều ở cấp xã trên địa bàn TP.

20/26 quận, huyện, thị xã có đê trên địa bàn TP đã thành lập lực lượng quản lý đê Nhân dân.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân của tình trạng cán bộ xã phải kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý đê nhân dân là bởi đa số các địa phương có đê gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn người tham gia lực lượng quản lý đê theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 3794/QĐ-UBND ngày 3/8/2010 của UBND TP.
Bên cạnh đó, chế độ thù lao hàng tháng chi trả cho nhân viên quản lý đê nhân dân còn chưa đầy đủ, kịp thời do ngân sách các xã còn nhiều khó khăn. UBND nhiều xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán chi trả thù lao và thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng quản lý đê.

Báo cáo số 638/BC-CCĐĐ mới đây của Chi cục Đê điều & phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) liên quan tới lĩnh vực quản lý đê nhân dân cũng nêu một số đề xuất của các địa phương có đê nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Đáng chú ý, hầu hết các quận, huyện, thị xã có đê kiến nghị tăng chế độ thù lao hàng tháng cho nhân viên quản lý đê Nhân dân; hàng năm tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm nhiệm vụ. Một số địa phương như: Mê Linh, Đan Phượng, Tây Hồ, kiến nghị tăng số lượng nhân viên quản lý đê nhân dân do địa bàn rộng, tình hình đê điều phức tạp…

Cũng theo ông Đỗ Đức Thịnh, đến nay, toàn TP Hà Nội đã có 20/26 quận, huyện, thị xã có đê thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với tổng số 156 người. Nhìn chung, lực lượng quản lý đê nhân dân được thành lập tuân thủ Quyết định số 3794/QĐ-UBND của UBND TP và Hướng dẫn số 53/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội.