Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều địa phương muốn nhân rộng mô hình trường học mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định điều này với báo chí bên lề Hội nghị Triển khai mô hình Trường học mới (VNEN) tại Việt Nam diễn ra sáng 28/3, tại Hà Nội.

Học sinh được phát triển toàn diện

Thưa Thứ trưởng, phương pháp dạy của mô hình này có phải là lấy học sinh (HS) làm trung tâm?

- Chúng ta luôn muốn phương pháp dạy học nói riêng và giáo dục nói chung là lấy HS làm trung tâm, chính mô hình VNEN tạo được cơ hội đó cho giáo viên (GV). Mô hình VNEN cũng tạo điều kiện cho thực hiện giáo dục toàn diện, đặc biệt là nâng cao tính tự học, tự đổi mới của GV và HS.

Khi thực hiện mô hình này, HS không chỉ học, mà có nhiều hoạt động khác để phát triển toàn diện (kỹ năng sống, rèn luyện thân thể, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…). Tính chủ động của HS rất cao. Do đó, ngay trong quá trình triển khai dự án, nhiều địa phương đã muốn nhân rộng mô hình này và đã có nhiều địa phương đăng ký triển khai thêm các trường học khác.

Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn, các nhà trường sẽ chủ động lo các công việc khác của mô hình này. Ở tỉnh Nghệ An, phụ huynh HS đã tình nguyện đóng góp vào để thực hiện dự án cho con em họ.
 
 
Nhiều địa phương muốn nhân rộng mô hình trường học mới - Ảnh 1
 

Thực hiện mô hình này có dùng bộ sách giáo khoa (SGK) hiện tại không, thưa Thứ trưởng?

- Mô hình VNEN lấy nội dung của SGK hiện tại và lấy mục tiêu đào tạo hiện tại để làm SGK mới. VNEN sử dụng SGK riêng, hướng dẫn cho HS tự học, tự đọc, tự làm bài tập.

Có 3 bước chính để học: Học để có kiến thức mới, thực hành, ứng dụng kiến thức mới vào thực tiễn. Tài liệu này dùng cho GV, HS và phụ huynh để hướng dẫn HS học.

 Vậy, thưa Thứ trưởng, việc triển khai mô hình VNEN có đồng bộ về cơ sở vật chất?

- Nếu các dự án khác tập trung vào xây dựng phòng học, trang thiết bị thì dự án này tập trung vào đổi mới các hoạt động sư phạm. Cơ sở vật chất chỉ cần thêm một chút.

Ví dụ, ta có những bàn học 5 HS ngồi thì có thể cắt đôi, đóng thêm chân thành bàn ngắn cho 2 HS. Rồi đóng thêm một số giá sách; huy động GV, HS làm đồ dùng và thiết bị dạy học đơn giản; tận dụng những phương tiện của gia đình để học tập.

Như vậy, phần vật chất của dự án yêu cầu không nhiều, chỉ là đầu tư nhỏ góp phần đổi mới phương pháp dạy.

Mỗi địa phương  có sáng tạo riêng

Thưa Thứ trưởng, khi dự án được nhân rộng ở các tỉnh, thành phố khác thì chuyên môn, giáo trình, phương pháp tiếp cận cho HS có gì thay đổi?

 - Không có thay đổi về mặt nguyên tắc, mô hình chung, nhưng sự sáng tạo của mỗi địa phương, mỗi GV trong từng lớp học là cần thiết.

Mô hình này sẽ được nghiên cứu để áp dụng cho cấp trung học?

- Khi làm được ở bậc tiểu học, sẽ làm được ở THCS. Chúng tôi đã đi thăm quan ở nước ngoài, trường THCS và THPT cũng làm theo mô hình này. Vì dự án này tập trung đầu tư ở cấp tiểu học, nên Bộ đang tìm thêm nguồn lực cho cấp THCS. Nhưng việc đóng góp thêm của cộng đồng, của phụ huynh rất cần thiết.

Phương pháp giảng dạy mới, giáo trình biên soạn mới. Vậy, trong cách đánh giá HS tại các nơi triển khai dự án so với các nơi khác có đảm bảo đồng nhất về chất lượng và kiến thức nền?

- Kiểm tra cho điểm số thì chắc chắn các lớp học này có điểm cao hơn, nhưng cái đó không quan trọng bằng việc HS được phát triển nhiều năng lực khác. Mô hình này coi trọng đánh giá quá trình, sẽ kết hợp đánh giá của GV, HS, nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Hiện, Bộ đang chuẩn bị tập huấn về phương pháp đánh giá, làm thế nào để đánh giá HS một cách toàn diện. Thông qua đánh giá, giúp HS học tập một cách phấn khởi và toàn diện hơn và rút được kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

Năm 2015, khi thực hiện nội dung chương trình mới, liệu mô hình này có còn được áp dụng?

- Chắc chắn khi có chương trình mới thì mô hình này vẫn tồn tại và sẽ còn mở rộng hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!