Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bổ sung đối tượng ưu tiên; giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp; các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT xác định… là điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2018.

Thí sinh được tư vấn chọn ngành tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.
Công khai đề án tuyển sinh
Sáng 14/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Thông tư quy định, khi các trường thay đổi nội dung đề án tuyển sinh thì phải công bố, công khai ít nhất trước 10 ngày tính đến ngày đầu tiên thí sinh điều chỉnh nguyện vọng và có trách nhiệm thông báo tới thí sinh có liên quan về việc thay đổi nội dung đề án.
Các trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh. Trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý theo quy định.

Bổ sung đối tượng ưu tiên
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cũng được điều chỉnh và bổ sung đối tượng. Theo đó, thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp (TC) các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ VHTT&DL công nhận thì được xét tuyển thẳng vào các ngành học tương ứng trình độ ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm theo quy định của từng trường.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp TC, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp TC các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có bài/môn thi (trong tổ hợp xét tuyển) có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp TC, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT theo quy định của pháp luật thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.
Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc TC) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135; các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc TC) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
Chênh lệch điểm ưu tiên giữa hai khu vực giảm còn 0,25
Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điẻm 10.
Các trường tự xác định điểm sàn
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, TC, Thông tư quy định: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thnag điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét ttrúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Các trường được tuyển sinh nhiều đợt
Thông tư nêu rõ, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Trước ngày 1 của các tháng 3, 5, 7, 8, 9, 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Học lực giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm
Thông tư cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Đối với trình độ CĐ, trình độ TC xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục Thể thao (ngành TC) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 16/4/2018.