91,4% số doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng
Trong tổng số gần 4.700 DN giải thể này, có tới 4.269 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,4%. Đây đều là những DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, buộc phải “dừng cuộc chơi” khi không thể cạnh tranh trên thị trường.Trong số các DN hoàn tất thủ tục giải thể, có 2.083 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 44,3%); 1.372 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,2%); 581 DN tư nhân (chiếm 12,4%); 661 công ty cổ phần (chiếm 14,1%) và 2 công ty hợp danh.Nói nguyên nhân chính khiến DN “chết lâm sàng”, hoặc phải tuyên bố phá sản, đóng cửa ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, không riêng gì DN Việt Nam mới thành lập gặp phải những khó khăn trên dẫn đến đóng cửa mà nhiều DN mới thành lập trên thế giới cũng vấp phải. Nguyên nhân quan trọng nhất là “kỹ năng sinh tồn” của các DN trong thời đại kỹ thuật số, nhất là khi thế giới đang bước vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Do quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên ngay khi mới “khai sinh”, nhiều DN đã không thể trụ vững trước sức ép, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.“Cạnh tranh mạnh mẽ sẽ khiến các DN không phù hợp, không đứng vững tất yếu bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chuyển đổi mạnh và chất lượng của các DN sẽ tốt hơn vì có sự cấu trúc lại”, ông Nguyễn Đức Thành nói.Theo TS Lưu Bích Hồ, hiện nay, các chính sách trực tiếp ảnh hưởng đến DN hiện nay như thời gian đóng thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu… ngày càng rút ngắn và thuận lợi cũng là một trong những điều kiện để DN nhỏ và vừa (NVV) vượt khó khăn, tồn tại và phát triển. DN Việt đã có được môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn để phát triển. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ, giúp DN nhỏ và vừa hoạt động và phát triển. Với việc khuyến khích hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam, trong thời gian tới, số DN ra đời và tạm ngừng hoạt động hay giải thể có thể sẽ còn nhiều hơn.Theo các chuyên gia, những khó khăn về vốn, thị trường, sự non trẻ… khiến nhiều DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn cần phải có những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ, giúp DNNVV hoạt động và phát triển. Tuy vậy, ngoài các hỗ trợ từ nhà nước, bản thân DNNVV cũng phải tự vươn lên, cạnh tranh để tồn tại.
Quy mô DN thành lập mới vẫn nhỏ4 tháng đầu năm, cả nước có 41.295 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mặc dù số lượng DN thành lập mới đang tăng mạnh cả về số lượng và quy mô nhưng so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng quy mô DN tại Việt Nam vẫn tương đối nhỏ, yếu về nhiều mặt. Do vậy, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế còn rất khó khăn…Bên cạnh đó, còn có 11.442 DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 52,7 nghìn DN.Để các DN ngày đi vào hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu DN thành lập mới cần hướng đến những ngành tạo ra giá trị sản xuất cao. Bởi, thời gian qua, mặc dù số lượng đăng ký thành lập mới tăng cao nhưng đóng góp vào sản xuất chưa được như kỳ vọng.Trong số 41.295 DN đăng ký thành lập mới 4 tháng đầu năm, có 14,1 nghìn DN thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 34,2% tổng số DN thành lập mới), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; 5,7 nghìn DN xây dựng (chiếm 13,7%), tăng 2,8%; trong khi chỉ có 5,1 nghìn DN công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), giảm 3,5%; 3,2 nghìn DN khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,7%), tăng 1%; 2,4 nghìn DN dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,9%), tăng 18,6%; 2,1 nghìn DN dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 12,2%; 2 nghìn DN kinh doanh bất động sản (chiếm 4,8%), tăng 42,5%; 1,1 nghìn DN giáo dục và đào tạo (chiếm 2,7%), tăng 13%...“Việt Nam đang thiếu vắng các DN cỡ vừa, thiếu hụt của các DN có quy mô đủ lớn và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các DN Việt cạnh tranh trong thị trường hàng hóa nội địa thấp. Các DN này gặp khó trên chính sân nhà khi mẫu mã, chất lượng ít có sản phẩm có thương hiệu toàn cầu. Nếu các DN trong nước không tận dụng tốt cơ hội, hàng hóa nước ngoài sẽ vào nhiều. Các nhà sản xuất Việt cần kết nối với hệ thống bán lẻ, siêu thị trong nước để nâng cao chất lượng hàng hóa mẫu mã...", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra.
Box: Năm 2018 là thời điểm thực hiện nhiều cam kết hội nhập kinh tế quốc, tuy nhiên theo số liệu của VCCI, phần lớn các DN tư nhân chưa đánh giá hết áp lực cạnh tranh đến từ bên ngoài, chỉ có 21,9% số DN nhận thức tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, 1/3 số DN cho biết thực trạng còn đang miệt mài giải quyết các vấn đề đầu vào, như khó khăn về tài chính hay không tuyển được lao động theo yêu cầu.