Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án cao cấp vẫn “bung” hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường nhà đất ế ẩm kéo dài khiến việc kinh doanh bất động sản (BĐS) rất khó khăn, nhất là ở phân khúc cao cấp.

Nhiều chủ đầu tư dự án đã phải chia nhỏ căn hộ, giảm giá thành, chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng để hút khách mua, tăng thanh khoản. Song, không ít chủ đầu tư dự án cao cấp vẫn quyết định "bung" hàng với giá cao.

Tăng nguồn cung căn hộ cao cấp

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, thị trường Hà Nội đón nhận thông tin chào bán của một loạt các dự án chung cư cao cấp. Điển hình, dự án Watermark (395 Lạc Long Quân, Tây Hồ), 19 tầng, 128 căn hộ diện tích 54,5 - 204m2, đã mở bán với mức giá từ 46 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT. Dự án chung cư Euro Window (27 Trần Duy Hưng) chào bán 300 căn hộ diện tích 72 - 199m2, giá bán trung bình 30 triệu đồng/m2, và khoảng trên dưới 35 triệu đồng/m2 hoàn thiện nội thất, sổ đỏ. Dự án UDIC (Nam Trung Yên) chào bán 32 triệu đồng/m2. Chung cư Hei Tower (Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân) chào bán với mức giá từ 27,4 - 27,9 triệu đồng/m2.

Mới đây nhất, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục động thổ dự án chung cư cao cấp D'.Le Pont D'or (Hoàng Cầu, Đống Đa), 23 tầng, 308 căn hộ chia làm 10 loại hình. Với tiếng tăm của dự án căn hộ chung cư cao cấp siêu sang D'. Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy) từng được chào bán năm 2012 với mức giá 100 triệu đồng/m2. Căn hộ có giá bán thấp nhất tại D'.Palaise de Louis là trên 12 tỷ đồng, cao nhất lên tới vài triệu USD. Nhiều người dự đoán giá D'.Le Pont D'or của Tân Hoàng Minh khi chào bán mỗi mét vuông sẽ không kém D'. Palais de Louis. Việc nhiều chủ đầu tư vẫn quyết định mở bán các dự án cao cấp trong thời buổi kinh tế khó khăn, thị trường BĐS ế ẩm đang là câu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia. Bởi hiện nay, tất cả đều đang hướng tới phân khúc nhà ở bình dân.

Nhiều dự án cao cấp vẫn “bung” hàng - Ảnh 1

Dự án UDIC (Nam Trung Yên) đang được chào bán với mức giá 32 triệu đồng/m2. Ảnh: Đức Giang

Đón tương lai

Thực tế, phân khúc trung bình, căn hộ nhỏ giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường BĐS . Còn phân khúc căn hộ cao cấp hiện tồn đọng nhiều, đang cần được giải phóng.

Hiện, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra những chính sách để tăng thanh khoản cho thị trường BĐS như hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ, cho phép doanh nghiệp được chuyển đổi dự án. Tuy nhiên, một số chuyên gia, nhà đầu tư BĐS lại bày tỏ quan điểm: Nếu chạy “show” làm nhà ở xã hội, nhà diện tích nhỏ, giá bình dân chưa hẳn đã là giải pháp hữu hiệu để "phá băng" BĐS. Thậm chí, nếu quá đà, thị trường lại “bội thực” nguồn cung phân khúc nhà giá rẻ, nhà diện tích nhỏ và tình trạng tồn kho mới lại xảy ra. Và nếu theo xu thế như hiện nay, có thể tương lai phân khúc căn hộ cao cấp, sản phẩm đồng bộ lại khan hiếm, thiếu hàng. Có lẽ vì quan điểm đó và chiến lược kinh doanh đón trước tương lai, mà nhiều chủ đầu tư vẫn quyết định “bung” hàng, chào bán những sản phẩm cao cấp trong thời điểm này.

Các dự án chung cư cao cấp đều có những lợi thế riêng, bởi thường có một vị trí đắc địa, với nhiều lợi thế giao thông, phát triển kinh tế, gần trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Nên các chủ đầu tư đều rất kỳ vọng vào phân khúc này. Một số chủ đầu tư cho rằng, tình hình hiện nay, thanh khoản của phân khúc căn hộ cao cấp vẫn còn rất thấp, ít người dám mạo hiểm đầu tư, phát triển, song không phải không có điểm sáng. Dự án nào vị trí thuận lợi, giá cả phải chăng, đảm bảo tiến độ triển khai vẫn có khả năng bán tốt.

Những chủ đầu tư vẫn kiên trì với các dự án cao cấp và “bung” hàng trong thời điểm khó khăn vừa qua cho thấy họ có tầm nhìn và chiến lược riêng. Những sản phẩm của họ hướng tới tương lai, chào đón nhu cầu của 2 - 3 năm nữa chứ không phải thời điểm hiện tại. Giai đoạn mà vấn đề của BĐS đã cơ bản được giải quyết. Nền kinh tế trở lại, ổn định phát triển. Đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu về loại hình sản phẩm cũng thay đổi.

Ông Nguyễn Hữu Cường Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội