Nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải: Chậm vì vướng giải phóng mặt bằng

Khánh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở TN&MT Hà Nội, công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải (XLCT) rắn, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn TP Hà Nội còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Dự án Nhà máy điện rác tại Sóc Sơn đang được xây dựng. Ảnh: Duy Anh
Tiến độ thực hiện còn chậm
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được tiếp nhận, xử lý hàng này trên địa bàn TP khoảng 6.500 – 7.000 tấn/ngày đêm, tập trung tại 2 khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn. Trong đó xử lý tại bãi rác Nam Sơn khoảng 5.000 - 5.500 tấn/ngày đêm và bãi rác Xuân Sơn khoảng 1.500 tấn/ngày.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, Hà Nội đang tập trung đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, gồm: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Nhà máy XLCT Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, công suất khoảng 450 tấn/ngày đêm; Khu XLCT Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu XLCT Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, mặc dù TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo và nhiều lần nhóm họp tìm biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án trên nhưng hiện tiến độ các dự án đến nay vẫn chậm.

Cụ thể, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, phát điện 75MW do Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án chậm tiến độ hoàn thành so với mục tiêu đề ra. Điều này ảnh hưởng đến công tác vận hành Khu liên hợp XLCT Nam Sơn nói riêng và kế hoạch tiếp nhận, xử lý rác thải của TP nói chung.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư, tăng công suất xử lý rác từ 700 lên 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện (37 MW), diện tích sử dụng đất 2,5ha (phạm vi nhà máy cũ) và tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành các nội dung thẩm định công nghệ, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500, bổ sung quy hoạch điện quốc gia, thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đủ điều kiện cấp phép khởi công xây dựng trong tháng 12/2021.

Dự án xây dựng Nhà máy XLCT Núi Thoong do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai là nhà đầu tư, hiện đã hoàn thành công tác GPMB, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích khoảng 10,318ha. Nhà đầu tư đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi công nghệ hiện đại, phát điện, sử dụng công nghệ lò đốt công nghệ Martin (Đức), nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 2.000 tấn/ngày đêm (bao gồm 2 dây chuyền xử lý); công suất phát điện 45MW.

Tập trung gỡ khó

Trước tình trạng một số dự án xử lý rác thải sinh hoạt chậm tiến độ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại. Trong đó yêu cầu các sở, ngành, đơn vị đoàn thể, chính trị, UBND thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn tham mưu UBND TP các giải pháp, hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện triển khai dự án, hoàn thành đúng tiến độ.

Đối với Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực về con người, tài chính, bộ máy nhân sự, vượt qua các khó khăn do dịch Covid-19 để hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, hoạt động tiếp nhận, xử lý rác thải theo tiến độ đề ra. Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Cục Thuế Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn để được hướng dẫn, tham mưu báo cáo UBND TP giải quyết, tháo gỡ các khó khăn trong công tác GPMB, đóng điện và thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT theo quy định.

Với Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin – chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, UBND TP yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực về con người, vốn, bộ máy nhân sự hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong năm 2021. Thi công, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian tối đa 22 tháng.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái, nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ là do người dân khu vực triển khai dự án chưa đồng thuận với chủ trương các dự án mở rộng theo quy hoạch, lo ngại ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư của các chủ đầu tư còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi thường, hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường, các chính sách hỗ trợ Nhân dân về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, quan trắc giám sát môi trường còn chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT đã có các văn bản để hướng dẫn và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. “Sở TN&MT cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với nhà đầu tư để hướng dẫn trực tiếp hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường. Dự kiến Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành, tiếp nhận đốt rác thương mại trong quý IV/2021” - ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần