Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều kết quả khả quan về xây dựng và phát triển nhà ở năm 2023

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 12/1, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp báo công bố kết quả hoạt động của ngành xây dựng và công tác phát triển nhà ở năm 2023.

Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, mang tính bản lề trong thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Ngành xây dựng đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi họp báo.

“Toàn ngành đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Một số chỉ tiêu chính như tăng trưởng ngành xây dựng tăng 7,06% (đóng góp 0,51 điểm phần trăm trong GDP chung, mức đóng góp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước); tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%; diện tích nhà ở bình quân cả nước 26m2 sàn/người; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 96%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 16%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải 17%” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong năm 2023 Bộ đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Các nội dung quy định trong 2 luật đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp và người nghèo, góp phần quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng bộ với thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động...

Hoàn thiện báo cáo Chính phủ hồ sơ Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước; và các quy định có liên quan… Tích cực thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, dưới nhiều hình thức như: Tiếp nhận và xử lý kiến nghị do địa phương, doanh nghiệp, người dân gửi về; Trực tiếp làm việc với các địa phương để cùng rà soát, tháo gỡ vấn đề pháp lý.

Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2030; Ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương, chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án; Tham mưu tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH.

Quang cảnh buổi hợp báo.
Quang cảnh buổi hợp báo.

Đồng thời quyết liệt triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều điểm sáng trong đa dạng các lĩnh vực như: Chuyển đổi Số; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng (đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung là 10% của Chính phủ)” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm.

Thị trường bất động sản chuyển biến tích cực

Trình bày báo cáo về thông tin thị trường BĐS năm 2023, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải cho biết, từ thời điểm cuối năm 2022, thị trường BĐS đã gặp nhiều khó khăn, tính thanh khoản kém. Tình trạng này kéo dài đến nửa đầu năm 2023, chủ yếu do vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý và tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai.

Đáng chú ý, số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm so với các năm trước, dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế, giá nhà ở có xu hướng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng. Tuy nhiên, với trên 20 văn bản từ Chính phủ và các bộ, ngành gồm: Nghị định, Quyết định, Thông tư, Công điện và đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã có những tác động tích cực đến thị trường.

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải thông tin về thị trường BĐS năm 2023.
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải thông tin về thị trường BĐS năm 2023.

Theo đó, thị trường BĐS trong nửa cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với nửa đầu năm, nguồn cung từng bước cải thiện, một số dự án sau thời gian tạm dừng đã khởi động trở lại. Trong những tháng cuối năm, việc lãi suất ngân hàng cho vay mua BĐS đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm, thị trường bắt đầu có chuyển biến tích cực, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều, chứng tỏ thị trường đang từng bước được hồi phục.

Trong năm 2023, cả nước có 67 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 29.612 căn; 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, có 140 dự án với quy mô khoảng 9.715 ô/nền được hoàn thành; cấp phép mới 103 dự án quy mô khoảng 7.173 ô/nền.

“So sánh với 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2023, cho thấy tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) bằng 113 %, tăng 13%. Trong đó: Lượng giao dịch BĐS nhà ở (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) bằng 83%, giảm 17%; Lượng giao dịch BĐS đất bằng 128,4%, tăng 28,4%” – Cục trưởng Hoàng Hải thông tin.

Đại diện lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, để thị trường BĐS tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo thì các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với Bộ Xây dựng, tập trung giải quyết một số vấn đề: Hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn từ thực tế và đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn địa phương; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết thủ tục xác định giá đất cho các dự án BĐS kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp gây khó khăn, chậm trễ; Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai; Hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và ra quốc tế.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tín dụng BĐS để có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS; Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng NƠXH, công bố công khai danh mục những dự án BĐS; Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư; giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất...