Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều lựa chọn cho thí sinh trượt lớp 10 công lập

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thí sinh đạt điểm chuẩn vào lớp 10 tại Hà Nội không có nghĩa đã trúng tuyển, nếu như không nhập học đúng quy định. Riêng đối với những thí sinh (TS) trượt các trường công lập vẫn có khá nhiều lựa chọn khác.

Chú ý khâu nộp hồ sơ
Từ ngày 1 - 3/7, các trường THPT ở Hà Nội sẽ tiếp nhận hồ sơ nhập học vào lớp 10 của TS trúng tuyển. Hồ sơ nhập học bao gồm: Phiếu đăng ký; bản sao Giấy khai sinh hợp lệ; Bằng tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS, hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với HS tốt nghiệp THCS năm học 2017 - 2018) do trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; bản chính học bạ; giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy cho phép được học vượt lớp, vào học sớm hoặc muộn so với quy định chung ở cấp học dưới.
 Thông báo nộp hồ sơ nguyện vọng 2 tại một trường THPT ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Đặc biệt lưu ý, TS đủ điểm chuẩn, đủ điều kiện tuyển sinh phải nộp hồ sơ nhập học đầy đủ, hợp lệ tại trường theo đúng thời gian quy định. Nếu quá thời hạn, nhà trường không được ghi tên TS vào danh sách trúng tuyển. Đối với các trường THPT công lập, TS hoặc phụ huynh đã hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã, phải nộp hộ khẩu thường trú ngay sau khi có kết quả, nếu không TS cũng sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.

Hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin dịch vụ hỗ trợ chỉnh sửa thông tin TS đăng ký trực tuyến khiến phụ huynh và TS băn khoăn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT lưu ý phụ huynh, mọi thông tin của TS cần chỉnh sửa đều phải thực hiện trực tiếp ở trường, phụ huynh phải mang hồ sơ gốc đến để đối chiếu, cần cảnh giác với hiện tượng giả mạo hỗ trợ chỉnh sửa thông tin tuyển sinh trực tuyến nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của TS. (Thủy Trúc)

Sở GD&ĐT cũng quy định các trường không được tổ chức kiểm tra để phân ban, chia lớp. Việc phân chia HS vào các lớp phải đảm bảo sỹ số theo quy định của điều lệ nhà trường, tuyệt đối không để sỹ số giữa các lớp chênh nhau quá lớn.

Nhiều lựa chọn khác

Năm nay, Hà Nội có gần 95.000 TS dự thi, trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập là 64.990. Theo ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu trong kỳ thi này, con em mình không thể vào được lớp 10 trường công lập, phụ huynh không nên thất vọng. Bởi vào lớp 10 trường công không phải là con đường duy nhất. Các em có thể học tại hệ thống trường THPT dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng...

Hiện nay, trên địa bàn có nhiều trường THPT dân lập được xây dựng với các mức học phí, chất lượng khác nhau. Anh Nguyễn Xuân Thành (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho rằng: “Nhiều trường tư rất tốt nhưng quan niệm của chúng ta chưa dễ thay đổi nên trường công quá tải. Để cha mẹ không có sự phân biệt công - tư, theo tôi, ngành giáo dục phải tuyên truyền, định hướng để phụ huynh và TS có sự lựa chọn hợp lý”.

Bên cạnh lựa chọn vào các trường dân lập, trường nghề, TS vẫn có cơ hội học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, theo ông Dũng, để thuyết phục phụ huynh ở các TP lớn như Hà Nội cho con em mình theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT vẫn là điều khó khăn do rào cản về quan điểm, cách nghĩ. Để tác động được tới phụ huynh trong việc “phân luồng”, các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút TS. Nếu phân luồng tốt thì bài toán áp lực vào trường công sẽ được giải tỏa.

Trong 2 ngày qua, phụ huynh có con không đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập ở Hà Nội đã không ít mệt mỏi, căng thẳng để giành một suất học cho con ở trường ngoài công lập. Đặc biệt, cách tuyển sinh lớp 10 của trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu khiến phụ huynh bức xúc khi liên tục tăng điểm chuẩn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, đã nắm được thông tin và cho rằng, việc thay đổi điểm chuẩn này là tùy quyết định của Ban Giám hiệu vì đây là trường ngoài công lập. “Tuy nhiên, Ban Giám hiệu của trường cần có cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây xáo trộn cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận” - ông Dũng nói. Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường THPT thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 về đối tượng, phương thức, điều kiện, hồ sơ, thời gian tuyển sinh...