Nhiều mô hình khuyến nông trồng trọt hiệu quả

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông trồng trọt theo hướng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nâng cao trình độ canh tác cũng như giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá hiệu quả mô hình hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. 
Niên vụ bưởi 2019, người dân xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) rất hồ hởi khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lựa chọn thực hiện mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình, các hộ gia đình được hỗ trợ 50% giống cây trồng và vật tư thiết yếu. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn và có cán bộ khuyến nông luôn theo sát, hướng dẫn thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật. Thời điểm này, các vườn bưởi đều phát triển tốt với tỷ lệ quả đạt cao, các tiêu chuẩn chất lượng đều đáp ứng sản phẩm an toàn VietGAP. Dự kiến, năm nay bưởi sẽ được mùa, được giá nhiều hơn so với năm 2018.
Tương tự, mô hình tưới nước tiết kiệm cho rau, hoa, quả tại 5 điểm tại các huyện: Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo đánh giá của các chủ hộ tham gia mô hình, hệ thống tưới đã giúp cho sản xuất bưởi giảm công lao động, giảm chi phí nhân công khoảng 12 lần so với phương pháp tưới truyền thống. Đồng thời, cây bưởi được tưới phun đồng đều, không bị dư thừa nước nên tránh được rửa trôi và bốc hơi phân bón. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp với quy mô 150 tấn nguyên liệu, thực hiện tại các xã: Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và Phương Trung (huyện Thanh Oai).
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, các mô hình khuyến nông trồng trọt đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân. Thông qua thực hiện các mô hình, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Nhiều sản phẩm từ các mô hình đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng các chương trình trọng điểm theo đối tượng nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, sản phẩm theo chuỗi giá trị kết hợp truy xuất nguồn gốc và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần