Đây chính là nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận tại Hội thảo khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” do Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ngày 13/4.
Chất lượng quy hoạch đô thị hạn chế
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á. Các đô thị ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% tổng GDP, là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ đạo quan trọng liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước.
“Với những chủ trương, đường lối, chính sách đó, lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 859 đô thị, tăng thêm 57 đô thị so với năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,3% tăng 3,6% so với năm 2015 (35,7%). Tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% (năm 2010) lên 86%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87,5%. Khu vực nông thôn cũng được quan tâm thích đáng, đến 99,4% diện tích được lập quy hoạch xây dựng. 100% tuyến đường chính, 90% tuyến đường nhánh và trên 65% đường ngõ xóm đã được chiếu sáng” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thực tế, trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như: Việc ban hành chính sách pháp luật về phát triển đô thị còn chậm so với yêu cầu, chưa phủ hợp với thực tiễn; Lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển, nhu cầu đầu tư dự án phát triển đô thị, nhà ở; Tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ; Cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị hiện nay thiếu tính nhất quán, chưa được quản lý tập trung, liên thông đa ngành, dẫn đến thiếu cơ sở để rà soát, đánh giá thực hiện chính sách...
“Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý, phát triển đô thị; chồng chéo, thiếu thống nhất giữa cấp độ quy hoạch, phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ (loại IV, loại V), mật độ đô thị trong từng vùng KT-XH thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Đổi mới gắn liền với kinh tế số
Theo ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các đô thị đã là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi đóng góp khoảng 70% tổng GDP. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa gia tăng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề, như bất bình đẳng thu nhập, phát triển phi chính thức, thiếu hụt hạ tầng và dịch vụ cơ bản, thiếu hụt nhà ở, vấn đề về sức khỏe do ô nhiễm và đại dịch cũng như suy thoái môi trường... Đô thị Việt Nam, đặc biệt là đô thị thứ cấp sẽ phải đối mặt với thách thức lựa chọn hướng phát triển phù hợp, trong khi vẫn phải nỗ lực duy trì khả năng chống chịu cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.
“Việt Nam cần phải sẵn sàng đưa đô thị hóa bền vững trở thành công cụ để duy trì tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bình đẳng giới và vượt qua các thách thức từ bẫy thu nhập trung bình” - ông Kamal Malhotra nhìn nhận.
Cũng theo ông Kamal Malhotra, đại dịch Covid-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm vấn đề trong thu nhập của người dân, khả năng tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng, dịch vụ xã hội, cơ sở vật chất cũng như vệ sinh đô thị... Người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người già, người lao động không chính thức là những thành phần dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, đại dịch mang lại cho các TP cơ hội đầu tư vào công nghệ sáng tạo và thông minh như trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, xe tự hành, in 3-D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu...
“Việt Nam cần nắm bắt thời điểm này để thực hiện cam kết phát triển bền vững, bằng cách đầu tư vào các dạng năng lượng tái tạo sạch hơn nhằm tạo ra những giải pháp lâu dài, giảm thiểu rủi ro khủng hoảng trong tương lai và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu một cách thỏa đáng. Các cơ quan của LHQ sẽ hỗ trợ chính quyền các cấp ở Việt Nam trong xây dựng kỹ năng, năng lực phát triển, khai thác và sử dụng hiệu quả công nghệ số một cách phù hợp và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số” - ông Kamal Malhotra nhìn nhận.
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường cơ chế quản lý, quy hoạch đô thị tích hợp, UN-Habitat đã phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện đề xuất dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án ISCB). Dự án đã nhận được tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ - SECO triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển bao trùm và tăng cường khả năng chống chịu cho đô thị Việt Nam. Dự án lần này sẽ lựa chọn 3 TP của Việt Nam để thực hiệp hợp phần thí điểm.
“Cần bắt đầu từ những thứ cơ bản, bao gồm xây dựng cầu nối về mặt hành chính, coi TP như một hệ thống, không phải một đơn vị nhỏ lẻ cung cấp các dịch vụ hoặc quản lý một hạ tầng cụ thể. Từ đó, thúc đẩy quy hoạch đa ngành, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cấp, ngành trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam” - Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển (Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam) Marcel Reymond nói.