Biến thể và lạm phát
Khi biến thể Omicron mới của virus SARS-CoV-2 dường như tỏ ra ít độc tính hơn so với lo ngại ban đầu, các hạn chế tái áp đặt ngay trước thềm năm mới tại nhiều quốc gia đã được dỡ bỏ nhanh chóng hơn. Các nền kinh tế cũng tỏ ra tự tin hơn với chiến lược “sống chung với Covid-19” của mình. Chẳng hạn, Israel, Vương Quốc Anh hay Australia đã nới lỏng các lệnh hạn chế mặc dù số lượng trường hợp nhiễm virus hàng ngày vẫn ở mức cao.
Một trong số ít dự báo mới nhất được đưa ra sau sự xuất hiện của Omicron, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Vương quốc Anh đã dự đoán rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 4% trong năm 2022, và tổng nền kinh tế thế giới sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 100.000 tỷ USD.
Nhưng đồng thời, một cảnh báo liên tục được nêu bật là cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số nơi trên thế giới được khắc phục, sẽ không ngạc nhiên nếu một biến thể virus mới khác có thể gây thêm thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, lạm phát được xem là một ẩn số khó lường khác trong năm 2022. Năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng đột ngột và mạnh mẽ của lạm phát, chủ yếu do sự phục hồi của hoạt động kinh tế thế giới và những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu “bão” lạm phát này có phải chỉ là tạm thời hay không, và việc các ngân hàng trung ương đang chịu áp lực để đảm bảo nó không đi vào vòng xoáy.
Cho đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đang tỏ ra dè chừng đối với việc nâng lãi suất từ mức rất thấp của họ. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh đã làm theo lời khuyên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% vào tháng 12/2021, động thái này được cho vẫn là quá ít để kiềm chế lạm phát hoặc tạo ra bất kỳ lợi ích nào ngoài việc tăng chi phí vay vốn với các công ty và tăng các khoản thanh toán thế chấp của các hộ gia đình.
Nói như vậy để thấy, các thị trường đang đặt cược rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa như tại Anh, và đặc biệt là đợt tăng lãi suất vào mùa Xuân này của Fed. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn liên quan đến lạm phát là điều gì sẽ xảy ra với các gói QE - chính sách bơm tiền để kích thích kinh tế mà các ngân hàng trung ương lớn đã áp dụng trong những năm gần đây, ước tính đã mua 25 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác, bao gồm khoảng 9 nghìn tỷ USD kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Cả Fed và ECB vẫn đang điều hành QE và bổ sung tài sản vào bảng cân đối kế toán của họ hàng tháng. Fed hiện đang giảm lãi suất của các giao dịch mua này với mục tiêu dừng kết thúc chúng kể từ tháng 6/2022. ECB cũng cho biết họ sẽ mở rộng quy mô QE, và cam kết sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhưng áp lực thực tế đối với quyết định của các ngân hàng là không hề nhỏ. Kết thúc QE và tăng lãi suất chắc chắn sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế - chẳng hạn như dự báo của CEBR đã giả định rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản giảm 10 - 25% vào năm 2022.
Vai trò của châu Á
Giới quan sát hiện vẫn tin rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục vào năm 2022. Thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa hai quốc gia, trong đó Trung Quốc đã đồng ý tăng mua một số hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên tổng cộng 200 tỷ USD vào năm 2020 và 2021 đã hụt mục tiêu khoảng 40% - tính đến cuối tháng 11/2021. Thỏa thuận hiện đã hết hạn, và câu hỏi lớn đối với thương mại quốc tế vào năm 2022 là liệu sẽ có một thỏa thuận Giai đoạn 2 mới hay không. Trong khi đó, chiến lược của Mỹ về Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden được cho vẫn không quá khác biệt so với thời tiền nhiệm.
Ở những nơi khác, căng thẳng giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine và sự leo thang hơn nữa của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có thể gây ra những hậu quả kinh tế cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là do châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Do đó, càng nhiều cam kết hơn trên cả hai mặt trận nói trên trong những tháng tới, tăng trưởng toàn cầu càng có lợi.
Dù Trung Quốc đã kiểm soát tương đối tốt đại dịch, giúp nền kinh tế của nước này đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ quý II/2020, nước này đang phải vật lộn với một thị trường bất động sản mắc nợ quá nhiều. Mặc dù các biện pháp xử lý của Bắc Kinh đến nay được cho tương đối suôn sẻ, các vấn đề nợ của Trung Quốc được tin vẫn sẽ là lực cản vào năm 2022. Như Morgan Stanley đã nhận định, nền kinh tế số hai thế giới sẽ cần thêm đà từ xuất khẩu mạnh, các chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp, cứu trợ cho lĩnh vực bất động sản và một cách tiếp cận phóng khoáng hơn trong vấn đề giảm thải carbon, để đạt hiệu suất tốt trong năm mới.
Đối với Ấn Độ - một nền kinh tế nổi bật khác của châu Á - nước này đã “sụt giảm kép” trong thời kỳ đại dịch, nhưng hiện đang cho thấy một xu hướng tích cực mạnh mẽ với mức tăng trưởng dự kiến 8,5% trong năm 2022. “Do đó, tôi ngờ rằng châu Á mới nổi sẽ gánh vác tăng trưởng toàn cầu vào năm 2022 và trọng tâm kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía Đông với tốc độ ngày càng nhanh” - Muhammad Ali Nasir - Phó Giáo sư Kinh tế và Tài chính tại Đại học Huddersfield, Vương Quốc Anh nói.
Dùộng gì xảy ra đối với chính trị, châu Á được tin vẫn là khu vực vô cùng quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng của toàn cầu vào năm 2022. Mỹ là nền kinh tế phát triển lớn duy nhất đã phục hồi tổn thất và lấy lại quy mô trước Covid-19, nhưng các nền kinh tế lớn như Anh, Nhật Bản hay khu vực đồng tiền chung châu Âu đều đã thu hẹp so với trước khi đại dịch, với số liệu gần đây nhất là quý III/2021.