KTĐT - Suốt 1 năm đầu cầm quyền chèo lái nền kinh tế Mỹ dần bước ra khỏi giai đoạn đại suy thoái, tạo nên bước đột phá trong cải cách hệ thống y tế và dần cải thiện hình ảnh quốc gia với thế giới, ông Obama đã khẳng định tài năng trên cương vị đứng đầu nước Mỹ.
Những bức ảnh ấn tượng nhất của năm được các hãng thông tấn lớn trên thế giới bình chọn đã ghép nên một bức tranh năm 2009 thiếu những gam màu tươi sáng và đầy ưu tư.
Nhưng ẩn chứa đằng sau những mối lo ngại, chúng ta vẫn có một niềm tin mạnh mẽ rằng, thông điệp được gửi đi từ những bức ảnh này sẽ thức tỉnh con người hành động để hướng tới một tương lai rực rỡ và tốt đẹp hơn.
1. Nỗi sợ hãi mang tên cúm A/H1N1.
[Bức ảnh của phóng viên Stringer, hãng thông tấn Reuters, chụp ngày 11/11/2009 tại Bệnh viện Suining, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc]
Nỗi sợ hãi của em học sinh đang được tiêm vaccine phòng cúm A/H1N1 trong ảnh cũng chính là nỗi sợ hãi của cả thế giới trước đại dịch cúm được cảnh báo nguy hiểm toàn cầu có sức lây lan và mức độ nguy hiểm này. Được phát hiện tại Mexico vào tháng 4/2009, đến thời điểm cuối tháng 11/2009, đã có hơn 8.000 người tử vong trên toàn thế giới với 208 quốc gia phát hiện trường hợp dương tính với cúm.
Khi mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang dốc hàng tỷ USD cho các chương trình truyền thông, sản xuất và mua vaccine phòng cúm để khống chế dịch bệnh, thì một cuộc khủng hoảng niềm tin đã xảy ra khi Tiến sỹ Wolfgang Wodarg, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu tuyên bố, cả thế giới đã... bị lừa, "đại dịch là không có thật", đây là "một trong những scandal y tế lớn nhất của thế kỷ" mà kẻ được lợi là các tập đoàn dược. Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngay lập tức khẳng định mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 là có thật, nhưng người dân trên khắp thế giới thì vẫn thấp thỏm giữa ranh giới của nỗi sợ hãi và niềm hi vọng khi sự thật về dịch bệnh này vẫn đang là một câu hỏi lớn.
2. Tiếng nổ trên dải Gaza
[Bức ảnh của phóng viên Baz Ratnerghi, hãng thông tấn Reuters, chụp tại biên giới dải Gaza (Palestine) ngày 7/1/2009.
Một bức ảnh không có "hậu trường" là cảnh bom nổ hay cảnh đám đông hoảng loạn bỏ chạy trong lửa cháy và máu rơi trên đường phố, nhưng câu chuyện đằng sau bức ảnh lại là một nỗi đau dai dẳng ở Dải Gaza. Một phụ nữ trẻ và hai cậu con trai đang đợi người thân làm việc ở biên giới Gaza thì nghe thấy tiếng bom nổ, ngay lập tức, hai đứa trẻ đã có những phản ứng rất thành thục để bảo vệ tính mạng với sự che chở của người mẹ. Hình ảnh và hành động của những đứa trẻ ở Gaza mỗi khi có tiếng bom khiến người ta phải đau lòng bởi vết thương chiến tranh đã hằn quá sâu trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Palestine và Israel hàng chục năm qua.
3. Thời khắc thiêng liêng của Barack Obama
[Bức ảnh của phóng viên Callie Shell, tạp chí Time (Mỹ), chụp ngày 20/1/2009, trước lễ tuyên tệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của Barack Obama]
Trong bức ảnh, ông Obama đã nín thở, đây là một trong những khoảnh khắc được cho là thiêng liêng nhất trong lịch sử nước Mỹ, khoảnh khắc mà vị Tổng thống da màu đầu tiên tuyên thệ nhậm chức. Suốt 1 năm đầu cầm quyền chèo lái nền kinh tế Mỹ dần bước ra khỏi giai đoạn đại suy thoái, tạo nên bước đột phá trong cải cách hệ thống y tế và dần cải thiện hình ảnh quốc gia với thế giới, ông Obama đã khẳng định tài năng trên cương vị đứng đầu nước Mỹ.
Việc ông Obama được trao giải Nobel vì Hòa bình 2009 làm nhiều người bất ngờ và được nhìn nhận ở khía cạnh "giải thưởng này dành cho ông Obama là mang tính động lực, thay vì tính thành tựu", hi vọng rằng ông Obama với vị thế của mình trên trường quốc tế sẽ tiếp tục duy trì những đổi thay mà ông đã đem lại trong thời gian qua, giống như tuyên bố của ông được đăng trên trang web của Ủy ban Nobel Thụy Điển: "Bây giờ là lúc tất cả chúng ta cần phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong việc đi tìm lời giải mang tính toàn cầu cho những thách thức mang tính toàn cầu".
4. Lời hứa cuối cùng
[Bức ảnh của phóng viên Stefan Wermuth, chụp ngày 5/3/2009, tại Trung tâm nghệ thuật O2, London, Anh, trong buổi họp báo về tour diễn "This is it" của Michael Jackson]
Hơn 3 tháng sau ngày 25/6/2009, hàng triệu người trên khắp thế giới đã bật khóc và không thể tin vào sự thật là thần tượng của mình - Michael Jackson (MJ) đã ra đi mãi mãi ở tuổi 50, để lại một lời hứa dang dở cho tất cả những người hâm mộ. Tình yêu của người hâm mộ dành cho MJ lớn đến mức trong khoảng thời gian vài ngày kể từ thời điểm 25/6, mạng Internet gần như bị "nổ tung" với những lời cầu nguyện, sẻ chia và bình luận dành cho ông vua nhạc Pop. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới thậm chí đã phải thốt lên "MJ ra đi mang theo cả Internet của thế giới" (CNN).
Tờ Los Angeles Times - tờ báo đầu tiên khẳng định cái chết của MJ - cũng đã bị tê liệt hàng giờ sau khi tin tức được lan truyền. Đúng như tờ Guardian của Anh bình luận, "MJ vẫn mãi là một hiện tượng của thế giới". Sự công phu, tỉ mỉ và sức sáng tạo không có giới hạn của Michael Jackson thể hiện trong bộ phim cùng tên ghi lại những khoảnh khắc quý giá trong thời gian MJ tập luyện cho tour diễn "This is it" được công chiếu, đã khiến cho những người yêu âm nhạc trên thế giới thêm tiếc nuối cơ hội tận hưởng màn trình diễn có thể coi là cuối cùng trong sự nghiệp ca hát của nghệ sĩ thiên tài này.
5. Chuyến bay kì diệu
[Bức ảnh của phóng viên ảnh Brendan McDermid, chụp ngày 15/1/2009 trên sông Hudson (New York, Mỹ)]
Trong ảnh là cảnh tượng có một không hai mà trước đó người ta chỉ có thể chứng kiến trong những bộ phim hành động bom tấn của Hollywood, 155 hành khách cùng phi hành đoàn trên chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không American Airway, đang đứng trên cánh máy bay bập bềnh giữa sông, để được một chiếc phà kéo vào bờ trên sông Hudson (New York, Mỹ). Tai nạn hi hữu xảy ra do một đàn ngỗng trời làm hỏng hết hai động cơ máy bay.
Tất cả hành khách đã thoát chết kì diệu nhờ vào bản lĩnh và sự tài tình của cơ trưởng Chesley Sullenberger, 57 tuổi khi chọn dòng sông Hudson làm "đường băng" để hạ cánh chiếc máy bay. Đây cũng là "tai nạn mở hàng" cho một loạt các thảm họa hàng không xảy ra trong năm 2009, trong đó có vụ mất tích bí ẩn giữa Đại Tây Dương của chiếc Airbus 330 trong chuyến bay 447 của Hãng hàng không Pháp Air France hôm 1/6/2009 sau khi rời Thủ đô Rio de Janeiro (Brazil) lúc 7h tối theo giờ địa phương chở theo 228 người cùng phi hành đoàn.
6. Cơn khát
[Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Stephano de Luigi đăng trên VII Network tháng 7/2009]
Chú hươu cao cổ chết khát trên một con đường ở Wajir, Kenya, nơi mà trong nhiều năm nay khan hiếm những con mưa dẫn đến tình trạng khô hạn nặng nề và một cuộc khủng hoảng nước kéo dài. Năm 2009 cũng là năm mà những cảnh báo về môi trường được đặt ở mức báo động cao nhất khi Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen 15 về biến đổi khí hậu diễn ra tại Đan Mạch, được kỳ vọng là sẽ tìm ra những giải pháp mới để cứu Trái đất khỏi khí thải, ô nhiễm môi trường và các thảm họa thiên nhiên.
Tuy nhiên, một bước đi mang tính đột phá tầm cỡ quốc tế đã không trở thành hiện thực tại Copenhagen. Sự bất đồng về mức cắt giảm khí thải, nhiều ít thế nào cho từng quốc gia, góp vốn hỗ trợ tỉ lệ ra sao dựa trên căn cứ nào là hợp lý nhất cho lợi ích của từng quốc gia... đã làm nghị trường nóng bỏng suốt 1 tuần làm việc mà không đem lại được kết quả ưng ý. Nhưng dù sao, toàn thể thế giới ít ra cũng đã ngồi lại được với nhau và hiểu rằng "người nói cần phải phải có người nghe". Nói như cách của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Copenhagen là "sự khởi đầu cần thiết" của thế giới trong nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung của loài người.
7. Not of this world - Ở một thế giới khác
[Bức ảnh của phóng viên Mick Tsikas, đăng tải trên Reuters, chụp ngày 8/2 tại một khu rừng bị thiêu rụi ở Australia]
Năm 2009 là năm mà khu vực Châu Á Thái Bình Dương tan hoang khi phải oằn mình trước những thảm họa thiên tai kinh hoàng kéo dài suốt từ đầu năm cho tới cuối năm. Cháy rừng ở bang Victoria, Australia bắt đầu vào ngày 7/2 trở thành thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử đã được gọi là "Ngày thứ Bảy đen tối" (Black Saturday) để tưởng niệm 173 nạn nhân thiệt mạng cùng hơn 400 người bị thương. Đây là con số thương vong chưa từng có trong lịch sử của Australia do cháy rừng gây ra khi gió mạnh đưa ngọn lửa phủ khắp một vùng rộng lớn 4500 km2, thiêu cháy mọi thứ trên đường di chuyển.
Sau đó, liên tiếp 2 cơn bão siêu mạnh từ ngày 7/8 đến 26/9 đã tràn qua Đài Loan và Philippines gây ra những tổn thất nặng nề về người và của. Cơn bão Ketsana đã trút xuống Thủ đô Manila một lượng mưa kỷ lục, lớn nhất trong vòng gần nửa thế kỷ qua, nhấn chìm nhiều vùng trong biển nước. Cơn bão này sau đó đã đổ bộ vào Việt Nam (bão số 9) với sức tàn phá lớn nhất trong vòng 40 năm qua và làm hàng trăm người thiệt mạng cùng với thiệt hại về vật chất lên tới 14.000 tỉ đồng. Đỉnh điểm của thiên tai là trận động đất mạnh 7,6 độ Richter hôm 30/9 trên vùng biển đảo Sumatra, Indonesia, làm sập hàng trăm nghìn nhà cửa, hơn 1.000 người thiệt mạng...
8. Mồ chôn
[Bức ảnh của phóng viên David Guttenfelder, hãng thông tấn AP]
Khoảnh khắc những người lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc chiến nằm náu mình trong những chiếc hố tại một doanh trại ở tỉnh Helmand (Afghanistan). Phóng viên ảnh David Guttenfelder chia sẻ: "Khi trời tối, chúng tôi phải dừng lại tại một cánh đồng và phải mất hàng giờ để đào những chiếc hố để ẩn náu trong bóng tối. Trông chẳng khác gì họ đang đào mộ tự chôn mình, nhưng thực sự nó sẽ giúp các binh lính cảm thấy an toàn hơn, ngon giấc hơn. Bức hình được chụp lúc tôi thức dậy vào buổi sáng và ngắm nhìn những chàng lính trẻ ngủ say sưa sau 6 ngày hành quân liên tục dưới nhiệt độ hơn 37 độ C". Tính đến tháng 12/2009, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan lên tới hơn 100.000 người, hầu hết họ đều phải đối mặt với những nguy hiểm tính mạng thường trực.
9. Giọt nước mắt hạnh phúc của ông vua bóng đá
[Bức ảnh của phóng viên Charles Dharapak, hãng thông tấn AP, chụp ngày 2/10, tại Copenhagen (Đan Mạch)]
Đây là khoảnh khắc vỡ òa trong niềm sung sướng và hạnh phúc của Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva (bên trái), Chỉ tịch Ủy ban tổ chức thế vận hội Rio 2016, Carlos Arthur Nuzman (giữa) và Vua bóng đá Pele (phải) khi nghe công bố chính thức về quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè 2016 của thành phố Rio de Janeiro (Brazil).
Cuối cùng ngọn đuốc thần Olympic đã trở về Nam Mỹ sau nhiều năm chờ đợi. Thành công của Brazil được đánh giá rất cao bởi danh sách 4 thành phố ứng cử cuối cùng được công bố trước đó vài tháng, ngoài Rio còn bao gồm những cái tên rất đáng nể là Chicago (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) và Tokyo (Nhật Bản).