Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những cảnh báo trong 6 tháng cuối năm

Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm có những tín hiệu tích cực song cũng còn nhiều vấn đề cần cảnh báo, tập trung vào một số nội dung đáng lưu ý.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở đầu vào, vấn đề lớn nhất là vốn đầu tư, yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP trong 6 tháng chỉ đạt 29,4%, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua và thấp xa so với mục tiêu định hướng (33%).

Trong 3 nguồn, vốn từ ngân sách sau nửa năm mới đạt 35,3% kế hoạch năm. Một vấn đề lớn ở đầu vào là giá nhập khẩu tăng trong thời gian dài và khá cao, làm cho chi phí sản xuất cao (chỉ số giá sản xuất sản phẩm 6 tháng tăng (nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 1,38%, công nghiệp tăng 4,75%, dịch vụ tăng 2,83%), có nhiều loại còn tăng cao hơn) do người sản xuất phải chịu, mà chưa thể chuyển hết cho hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do sức mua thấp (CPI bình quân tăng 2,44%).

Đó là chưa kể, do bị đứt gãy nguồn cung hoặc do giá tăng rất cao, mà lượng nhập khẩu còn bị giảm như Hạt điều, Lúa mì, Ngô, Đậu tương, Than, Quặng và khoáng sản khác, Phân bón, Giấy, Bông, Xơ sợi dệt, Phế liệu sắt thép, Sắt thép, Kim loại thường khác.

Ở đầu ra, bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước, bên cạnh tốc độ tăng khá, nhưng đó là tốc độ tăng trên cơ sở gốc so sánh rất thấp do bị “bào mòn” sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch. Nói cách khác, tổng cầu dù tăng lên nhưng vẫn còn yếu, tăng chưa bao nhiêu so với trước đại dịch, thậm chí có một số chỉ tiêu còn chưa phục hồi, kể cả một số dịch vụ.

Xuất khẩu hàng hóa tăng khá cao, nhưng có một phần quan trọng do giá xuất khẩu tăng (8,03%). Nếu loại trừ giá, thì lượng xuất khẩu tăng khoảng 8,3%, trong đó lượng xuất khẩu một số mặt hàng còn giảm (như Hạt điều, Rau quả, Chè, Clanhke và ximăng, Than, Dầu thô, Xăng dầu, Chất dẻo nguyên liệu, Xơ sợi dệt, Sắt thép,…).

Đáng lưu ý, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam chuyển từ xuất siêu trong một số tháng trước sang nhập siêu trong tháng 5 - mà nhập siêu là một yếu tố góp phần làm suy giảm tốc độ tăng trưởng. Nhập siêu dịch vụ vẫn còn rất lớn và tăng so với cùng kỳ (8004 triệu USD so với 7699 triệu USD), trong đó lớn nhất là nhập siêu dịch vụ vận tải (4415 triệu USD) và dịch vụ du lịch (1829 triệu USD).