Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “chiến sĩ Trường Sa” trên biển

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tình yêu biển và ý thức “canh cửa” cho Tổ quốc đã trở thành động lực chính để ngư dân - những “Chiến sĩ Trường Sa” đặc biệt - vững tay lái trước nhiều khó khăn, giông bão.

4 đời bám biển

Gần chục năm cầm bánh lái, thuyền trưởng Trần Văn Trung (thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm sau những truyền dạy của cha và nhiều chuyến biển kéo dài hàng tháng trời

“Nghề biển là nghề ăn sóng, nói gió, nhiều cơ cực, nhưng sinh ra ở làng biển thì phải bám biển, sống nhờ vào biển, dù có thế nào cũng không bỏ. Tính đến đời tôi, gia đình có 4 đời bám biển”, anh Trung chia sẻ.

Tự hào của anh Trung hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ cha anh- ông Trần Xề- là một trong số ít ngư dân được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”.

Ngư dân Trần Xề cùng huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa".
Ngư dân Trần Xề cùng huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa".

Năm nay đã 85 tuổi, dù nghỉ biển đã lâu, nhưng mỗi đợt con trai trở về từ ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, ông Xề vẫn chèo thúng ra thăm tàu, như một cách gợi nhớ lại kỷ niệm những lần dọc ngang trên biển thời trai trẻ.

Ở làng biển Định Tân, ông Xề là lớp thế hệ ngư dân đầu tiên đưa tàu ra ngư trường Trường Sa để đánh bắt hải sản. Dưới sự dẫn dắt của ông Xề, chiếc tàu nhỏ với công suất tầm 60CV thời đó đã vượt không biết bao nhiêu sóng gió để ra khơi đánh bắt cá chuồn.

"Ngày trước tàu nhỏ, ra khơi chỉ có mỗi chiếc la bàn chứ chưa có máy định vị hay máy dò cá gì đâu. Phải thuộc lòng từng khu vực, từng rạn đá ngầm. Mỗi lần ra khơi phải canh gió, canh sóng, có như vậy mới giữ cho tàu an toàn”, ông Xề hồi tưởng.

Bám biển từ lúc mới 17 tuổi cho đến khi ngoài 70 tuổi, nhẩm tính cả cuộc đời của mình, ông Xề đã dành phần lớn thời gian cho những chuyến hải trình và gắn bó như máu thịt với biển.

Ở độ “thất thập cổ lai hy”, ông Xề vẫn còn mê mải đi biển đánh cá cùng con trai và các ngư dân trên tàu ở tận đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây. Năm 2011, ông là một trong những ngư dân tiêu biểu của tỉnh, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Lúc này, ông Xề 73 tuổi.

Khó khăn vẫn không bỏ biển

Nghề biển mỗi lúc một khó, thường xuyên bị thua lỗ, chuyến thì vài chục, có chuyến cả trăm triệu đồng. Nhiều ngư dân bắt đầu bỏ biển, rời làng để làm công nhân ở công ty, xí nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động. Nhưng cũng có người, dù bán cả tàu vẫn quyết giữ nghề.

Sau nhiều phiên biển thất bát, ngư dân Bùi Tấn An (48 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) buộc phải bán đi con tàu của mình trong bao nhiêu ngậm ngùi, tiếc nuối. Song, không vì thế mà ông An rời biển về bờ.

Dù trải qua nhiều biến cố, ông An vẫn giữ quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Dù trải qua nhiều biến cố, ông An vẫn giữ quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Lúc mới bán tàu, mọi người khuyên nên sắm lại một chiếc tàu hoặc thúng nhỏ, rồi làm nghề biển gần bờ, nhưng ông lắc đầu từ chối. Nhìn tấm huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa" được nhận vào năm 36 tuổi, ông An lại xin đi bạn cho các chủ tàu đánh lưới chuồn ở vùng khơi xa.

“Nghề biển gần bờ vậy chứ có ăn, mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn, có khi lên đến cả triệu đồng, lại được ở gần vợ, con. Nhưng đã quen với ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, nên dù khó khăn thế nào, tôi vẫn muốn giữ lấy nghề đánh bắt xa bờ”, ngư dân An chia sẻ.

Trong khi đó, giữ truyền thống gia đình, ông Võ Văn Đình (73 tuổi, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) luôn dặn dò, động viên các con xem ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa là ngôi nhà thứ 2 của mình. Đừng vì những khó khăn nhất thời mà bỏ biển, rời ngư trường.

Ông Võ Văn Đình là một trong những "lão ngư" nổi tiếng ở làng chài Tân Thạnh.
Ông Võ Văn Đình là một trong những "lão ngư" nổi tiếng ở làng chài Tân Thạnh.

Ông Đình được xem là “cây cao, bóng cả” ở xã ven biển Nghĩa An. Trong câu chuyện kể về đời ngư dân của mình, ông Đình hay nhắc đến con tàu chỉ có 55CV thời trước, lưới tự đan, không có thiết bị thông tin liên lạc, không máy dò … mà vẫn hiên ngang rẽ sóng.

Và cũng từ những chuyến đi đó, ông thông thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa như nhà mình. Ông Đình là một trong 4 cá nhân tiêu biểu của địa phương, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa".

Sau thời ông, giờ trong gia đình có thêm 3 con trai, con rể và 3 tàu cá ngày đêm vươn ra ngư trường Trường Sa, trở thành một trong những gia đình có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở làng chài Tân Thạnh.

Ý thức được sự hiện diện của mỗi chiếc tàu ở vùng biển xa bờ chính là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển, ông Đình luôn nhắc nhở thế hệ ngư dân trẻ bám biển, vươn khơi và bồi đắp thêm tình quân dân thắm thiết.

Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi, vừa khai thác hải sản, vừa góp phần giữ vừng chủ quyền biển đảo.
Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi, vừa khai thác hải sản, vừa góp phần giữ vừng chủ quyền biển đảo.

Mấy mươi năm gắn bó với ngư trường Trường Sa, ông vẫn thường cho tàu ghé qua các đảo như Sinh Tồn, Song Tử Tây. Lần nào ghé, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng cho ngư dân khi thì vịt, gà, khi thì rau xanh và đón tiếp rất nồng hậu.

"Khi giao lại tàu cho con, tôi luôn dặn dò con mình rằng, ngư dân không đơn độc trên biển. Đồng hành cùng ngư dân luôn có lực lượng hải quân ngày đêm “canh cửa” cho Tổ quốc”, ông Đình nói.