70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Cẩn trọng với biến chứng nguy hiểm từ tay chân miệng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng, có biến chứng chuyển sang viêm não, viêm dạ dày...

Chị Đinh Thị Nổ (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đưa con nhập viện ở bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Quảng Ngãi sau 2 ngày sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc.

“Các bác sĩ chẩn đoán con bị tay chân miệng nhưng có biến chứng chuyển sang viêm não, viêm dạ dày”, chị Nổ cho hay.

Bệnh nhi 2 tuổi trên được đặt nội khí quản, thở máy, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn ở thể nặng và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực -Chống độc.

Bệnh nhi được theo dõi, điều trị tích cực.
Bệnh nhi được theo dõi, điều trị tích cực.

Theo thống kê từ Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng bắt đầu tăng dần từ tháng 6/2023. Tuy nhiên, trong tháng 7, lượng bệnh tăng gấp đôi so với tháng 6.

Hiện tại, khoa này đang theo dõi, điều trị cho khoảng 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Trung bình mỗi ngày có hơn 15 ca bệnh tay chân miệng mới nhập viện điều trị.

Số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ tháng 6.
Số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ tháng 6.

Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng được các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới đang điều trị tích cực, trong đó có 3 ca độ 2B nhóm 1; 2 ca độ 2B nhóm 2. Trong số này, có 1 trường hợp tay chân miệng rất nặng độ 3, bệnh nhân biểu hiện: co giật, rung giật nhãn cầu, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy.

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp, có trường hợp dương tính với chủng Enterovirus 71 - có đặc tính lây lan nhanh, là tác nhân gây bệnh nặng cho trẻ mắc tay chân miệng.

Bác sĩ Trần Đình Điệp – Trưởng khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngưng thở, ngưng tim, suy đa tạng. Tuy nhiên, với bệnh tay chân miệng, quan trọng nhất không phải tìm ra biến chứng mà là phát hiện sớm, điều trị sớm kịp thời. Trong trường hợp nặng thì can thiệp sớm".

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng đa số rất dễ chẩn đoán với biểu hiện là những san thương (bóng nước, sẩn hồng ban) nằm ở các vị trí điển hình như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối hoặc loét miệng (làm cho trẻ biếng ăn, bỏ bú, chảy nước bọt). Nhưng đôi khi, có những trường hợp vị trí phát ban hoặc loét miệng rất kín đáo, em bé chỉ có biểu hiện sốt, rất khó chẩn đoán.

Nguy hiểm của tay chân miệng so với một số bệnh khác là trước khi trở nặng thường ở giai đoạn yên bình. Đa số trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh dễ lầm tưởng. Do đó, điều quan trọng để tránh trẻ gặp biến chứng khi mắc tay chân miệng là các bậc cha mẹ phải theo dõi sát sức khỏe của con để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.

Thông thường, cao điểm bệnh tay chân miệng vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay dịch đến sớm hơn, diễn tiến bất thường hơn và có nhiều ca bệnh nặng.

Ngành y tế khuyến cáo, khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp chậm trễ khiến bệnh có thể chuyển nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.

“Bệnh tay chân miệng diễn tiến rất nhanh nên cần theo dõi kỹ. Trong trường hợp sốt cao 39 độ, khó hạ sốt khi uống thuốc hạ sốt thông thường hoặc sốt trên 2 ngày, em bé nôn ói thì phải thăm khám tại viện, hoặc tái khám hằng ngày. Khi em bé có dấu hiệu khác như ngủ giật mình chới với, co giật, tím tái, run chi, đi đứng loạng choạng, da nổi vân tím, thở bất thường… phải nhập viện ngay”, bác sĩ Đỗ Duy Thanh – Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật- Sở Y tế Quảng Ngãi, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 247 ca mắc tay chân miệng được ghi nhận (chưa kể nhiều trường hợp bệnh nhẹ đến khám và điều trị ngoại trú bị bỏ sót, không được nhập lên phần mềm quản lý).

So với cùng kỳ 2022, số ca bệnh dù giảm 10,5% nhưng lại đang có chiều hướng tăng nhanh, nhiều ca có biến chứng nguy hiểm.

Trong số các ca bệnh được ghi nhận, 9 trường hợp mắc độ 2B trở lên được lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang với kết quả có 1 trường hợp dương tính với chủng Enterovirus 71, 1 trường hợp dương tính với Enterovirus, 5 trường hợp chưa có kết quả.

Bệnh xuất hiện ở 12/13 huyện, thành phố, tập trung nhiều ở các huyện đồng bằng gồm: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, TP Quảng Ngãi và ít hơn ở các huyện miền núi.

Đơn vị này cũng đưa ra dự báo, với thời tiết như hiện nay, bệnh tay chân miệng trong 5 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, cần phải được giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn, tránh cho việc bùng phát thành dịch lớn và không để xảy ra trường hợp tử vong.