Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những 'chiêu' biến tài sản công sang tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Trong khi Luật Hình sự quy định trộm cắp tài sản trị giá từ 500 ngàn đồng trở lên đã phải vào nhà đá, còn ở đây họ biến tài sản công thành tài sản tư cả ngàn tỷ đồng thì chẳng làm sao”.

KTĐT - “Trong khi Luật Hình sự quy định trộm cắp tài sản trị giá từ 500 ngàn đồng trở lên đã phải vào nhà đá, còn ở đây họ biến tài sản công thành tài sản tư cả ngàn tỷ đồng thì chẳng làm sao”.

Một trưởng đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP), nói về những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa (CPH) một số tập đoàn, tổng Cty nhà nước.


Nơi nào cũng sai

Trong năm 2009, TTCP công bố kết luận thanh tra việc thực hiện CPH ở hai tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bưu chính Viễn thông (VNPT). Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc thực hiện CPH tại một số đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Đáng chú ý, việc hậu kiểm quá trình thực hiện CPH ở những ông lớn này đều phát hiện những sai phạm nghiêm trọng, bỏ quên, xác định sai hoặc loại bỏ giá trị tài sản của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, trong kết luận thanh tra việc thực hiện CPH tại VNPT, TTCP phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị thu hồi gần 90 tỷ đồng.

Còn tại EVN, Thanh tra cũng kiến nghị thu hồi hơn 20 tỷ đồng sai phạm trong thực hiện CPH và báo cáo Thủ tướng xử lý số tiền trên 756 tỷ đồng thu được từ CPH các đơn vị thành viên mà EVN đã chi sai.

Còn việc CPH tại TKV, từ năm 1999 đến năm 2008, có 47 doanh nghiệp được CPH, kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện sai phạm, như: Tính lợi thế kinh doanh không đúng dẫn tới làm mất vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp và trong cơ cấu vốn trên 12 tỷ đồng....

Thủ thuật biến tài sản công thành tư

Nhìn vào kết quả thanh tra việc CPH tại các tập đoàn trên, các hình thức sai phạm chủ yếu là xác định sai giá trị tài sản, không tính giá trị lợi thế kinh doanh hoặc bỏ quên tài sản.

Ví dụ như ở TKV, do đặc thù, tài sản Nhà nước tại một số doanh nghiệp CPH là các mỏ khoáng sản, nên chỉ cần đánh giá sai trữ lượng mỏ, đánh giá không đúng lợi thế quyền khai thác với các đơn vị có các mỏ, quặng quý hiếm, là nhà nước mất tiền tỷ....

Tại EVN, qua thanh tra việc thực hiện CPH tại ba doanh nghiệp, gồm: Cty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Cty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, Cty Cổ phần thiết bị điện Đông Anh, cả ba đơn vị đều phát hiện các đơn vị tư vấn đã tính toán sai quy định, áp dụng sai suất đầu tư do Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng ban hành, dẫn đến làm giảm giá trị doanh nghiệp, từ đó giảm giá trị phần vốn nhà nước gần 4,5 tỷ đồng...

Ở đây, theo quy định tại Thông tư 126 của Bộ Tài chính, việc xác định giá trị thực tế của tài sản bằng nguyên giá tính theo giá thị trường nhân với chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp, sau khi CPH phải bàn giao cho Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (đối với động sản) và bàn giao cho địa phương (đối với bất động sản).

Tuy nhiên, Cty Cổ phần Chế tạo Thiết bị Điện Đông Anh, sau khi CPH vẫn chưa bàn giao về Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (Bộ Tài chính) số tài sản được cho là không cần dùng, với trị giá trên 2 tỷ đồng.

Còn tại Cty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khi CPH Cty này loại ba khu nhà tập thể ở những vị trí khá đắc địa  (đường Trần Phú, đường Núi Một và đường 2/4, TP Nha Trang), trị giá nhiều tỷ đồng.

Đáng chú ý, cả hai trường hợp trên, tuy tài sản bị loại ra khỏi việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp nhưng lại vẫn được doanh nghiệp sử dụng sau khi đã CPH.

Theo quy định tại Nghị định 64, ngày 19/6/2002, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định CPH các doanh nghiệp thuộc VNPT. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có đến 26/39 doanh nghiệp thành viên của VNPT được CPH theo quyết định của HĐQT tập đoàn VNPT.

Việc quyết định CPH sai thẩm quyền này, dẫn tới khi phê duyệt phương án CPH sẽ mất kênh giám sát là Bộ Thông tin và truyền thông.

Thanh tra phát hiện, có 12 doanh nghiệp đã CPH nhưng VNPT chưa thu hồi giá trị phần vốn nhà nước hơn 43 tỷ đồng và số cổ tức phần vốn nhà nước tại 21 doanh nghiệp cũng bị bỏ quên số tiền hơn 17 tỷ đồng... 

Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp đã CPH của VNPT, tình trạng xác định không đúng giá trị tài sản, làm mất giá trị tài sản của nhà nước cũng xảy ra.

Nhìn từ việc CPH các doanh nghiệp nhà nước tại các tập đoàn, tổng Cty lớn trên cho thấy, nếu không được hậu kiểm, nhà nước mất hàng trăm tỷ đồng. Bởi khi CPH, từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành doanh nghiệp đa sở hữu (trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước không chiếm cổ phần chi phối), tức luồng giá trị tài sản sẽ dịch chuyển từ công sang tư.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo quy định, khi xác định giá trị tài sản tại các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế Nhà nước phải qua khá nhiều khâu: Từ thuê tư vấn và kiểm toán độc lập xác định giá trị doanh nghiệp; thông qua hội đồng CPH, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực (bộ, ngành) và Bộ Tài chính phê duyệt phương án CPH...

Nhưng kết quả thanh tra cho thấy việc CPH tại các tập đoàn đều có sai phạm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa ai bị xử lý về việc làm mất tiền tỷ của Nhà nước, kể cả các Cty kiểm toán độc lập cũng không bị xử lý.

Để ngăn chặn việc lợi dụng CPH, rút ruột tài sản Nhà nước, TTCP vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành đề xuất với Thủ tướng bổ sung các quy định liên quan như: Cụ thể hóa trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, kiểm toán trong việc xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định; Cơ chế quản lý về hoạt động kinh doanh, công tác tổ chức cán bộ và việc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sau CPH, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng mất tài sản nhà nước...

“Nếu không có quy định rõ ràng, rất dễ xảy ra tình trạng thông đồng giữa những cán bộ làm tư vấn, kiểm toán, cơ quan chủ quản để rút ruột tài sản khi CPH”, một quan chức TTCP nói.