Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2017 như: Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức; tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước...

Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực từ 5/9/2017.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực từ 1/9/2017, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%.

Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng

Nghị định 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 10/9/2017, trong đó quy định truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Đồng thời, truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 15/9/2017. Trong đó, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

Như vậy, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên.

Một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Hải Phòng

Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29/07/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng có hiệu lực từ 15/9/2017.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

VPCP quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính

Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 25/9/2017.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong đó, về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có hiệu lực từ 25/9/2017. 

Tiêu chí chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành cty cổ phần

Theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần ngày có hiệu lực từ 1/9/2017, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

1- Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi;

2- Thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định;

3- Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.

Tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Có hiệu lực từ 10/9/2017, Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg ngày 25/07/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 6/12/2013 quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Theo đó, tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù, nặng nhọc cho giáo viên nghề

Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ 25/9/2017.

Quy định mới về tạm nhập, tái xuất hàng hóa

Từ ngày 11/09/2017, hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc

Thông tư 04/2017/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/7/2017 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng có hiệu lực từ 1/9/2017.

Điều kiện thi thăng hạng giảng viên đại học công lập

Thông tư 18 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập chính thức có hiệu lực từ ngày 5/9.

Nội dung Thông tư nêu rõ việc cử viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học công lập. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

Viên chức được cử đi dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên khi có đủ các điều kiện như cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi; Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên…; Được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Tăng trợ cấp hàng tháng cán bộ xã nghỉ việc

Từ ngày 1/9, Thông tư 04 của Bộ Nội vụ hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng có hiệu lực.

Cụ thể, cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã được hưởng 1.846.000 đồng/tháng. Với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, thường trực Đảng ủy, ủy viên thư ký UBND, thư ký HĐND xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã thì được hưởng 1.786.000 đồng/tháng. Các chức danh còn lại hưởng 1.653.000 đồng/tháng.

Thả chó ra đường không đeo rọ mõm bị phạt 800 nghìn đồng

Nghị định 90 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ 15/9. Nghị định quy định rõ đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng; Chủ nuôi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng cũng bị phạt từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng.